Loay hoay chuyện quyết toán tiền trợ giá cho xe buýt

Thứ Bảy, 28/09/2019, 08:26
Sau kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh về vấn đề quản lý tiền trợ giá đối với xe buýt vào năm 2016, Sở GTVT thành phố đã yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng khẩn trương rà soát hồ sơ quyết toán tiền trợ giá đối với xe buýt của các đơn vị vận tải; thuê đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán lại toàn bộ số liệu quyết toán kinh phí trợ giá cho xe buýt đã kéo dài từ năm 2011 đến khi đó.

Cuối năm 2018, Sở GTVT đã thành lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra, đánh giá lại kết quả, khối lượng quyết toán trợ giá xe buýt trong nhiều năm. Liên quan đến vấn đề này, ngay từ năm 2013, Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành thanh tra việc chậm quyết toán trợ giá đối với xe buýt.

Tuy vậy, thông tin về việc chi hỗ trợ từ ngân sách cho xe buýt vào ngày 9-9 vừa qua, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT đã xác nhận, việc chậm quyết toán tiền trợ giá cho xe buýt còn kéo dài từ 2011 đến nay.

Trong khi đó, mỗi năm, xe buýt tại TP Hồ Chí Minh cần cả ngàn tỉ đồng trợ giá từ ngân sách để đảm bảo hoạt động. Những năm gần đây, phương tiện của các DN vận tải đã đồng loạt xuống cấp cần đầu tư thay mới; lượng khách sụt giảm do bị cạnh tranh gay gắt từ Grab, taxi xe ôm công nghệ… nên tiền trợ giá cho xe buýt rất cần được chi kịp thời, đầy đủ.

Theo ông Hưng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm quyết toán trợ giá xe buýt kéo dài trong nhiều năm là do phải chờ đến giữa năm 2015, Sở GTVT mới bố trí được kinh phí và tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập.

Xe buýt tại TP Hồ Chí Minh ngày càng èo uột, tiền trợ giá lại không được chi kịp thời.

Ngay như việc sử dụng thùng vé tự động để giảm nhân viên phục vụ trên xe buýt, những năm qua tuy tiết kiệm được 142 tỉ đồng, nhưng phần chi thêm 30% chi phí nhân công cho các tài xế kiêm nhiệm đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể.

Từ năm 2011, nhiều đơn vị vận tải đã chủ động đầu tư xe buýt chạy gas thay cho xe chạy dầu diezen để tiết kiệm chi phí nhiên liệu và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiền đầu tư mua xe buýt chạy gas khá cao, xe cũ cũng ở mức 1,7 tỉ đồng/xe và xe mới lên đến 2,75 tỉ đồng/xe, trong khi mức đầu tư mua xe buýt chạy diezen được thành phố duyệt chỉ là 1,18 tỉ đồng, nhưng trong nhiều năm, UBND thành phố đã không quy định kinh phí đầu tư đối với loại xe này.

Do đó Sở GTVT đã phải tạm xây dựng định mức chi phí đối với xe buýt chạy gas, sau đó thống nhất với Sở Tài chính để chi trả cho các DN vận tải. Phải đến ngày 30-8 vừa qua, định mức đơn giá chi phí cho xe buýt chạy gas mới được thành phố chấp thuận.

Bên cạnh đó, một loạt các vướng mắc khác (như: Định mức chi phí chênh lệch ca máy đối với phương tiện đầu tư mới cần bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt; định mức nhiên liệu tiêu hao đối với xe buýt chạy gas…) cũng phải chờ đợi trong thời gian dài để được thành phố xem xét, chấp thuận. 

Khi tiền trợ giá cho xe buýt hoạt động trong nhiều năm còn chưa được phê duyệt quyết toán, thì vụ cháy kho chứa hồ sơ xe buýt do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuê bên ngoài đã khiến gần 3.000 thùng tài liệu bị thiêu rụi toàn bộ. Sau khi Cơ quan điều tra có kết luận về nguyên nhân gây cháy, báo cáo về thiệt hại sau vụ cháy với UBND thành phố gần đây, Sở GTVT khẳng định số lượng hồ sơ trợ giá xe buýt “khủng” bị cháy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý.

Theo Sở GTVT, những hồ sơ bị cháy chủ yếu gồm các lệnh vận chuyển giai đoạn 2006 - 2017; hồ sơ xử lý DN vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng từ năm 2012 đến 2016; văn bản chỉ đạo điều hành của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng từ năm 1996 đến năm 2016.

Ngoài ra, nhiều tài liệu khác cũng bị hư hại như hồ sơ đề xuất năng lực của đơn vị vận tải tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng từ năm 2007 đến 2018; sổ nhật trình chạy xe đối với các xe tham gia dịch vụ đưa đón học sinh, sinh viên và 218 thùng vé tập xe buýt từ năm 2013 đến 2018.

Lý giải về việc cháy hồ sơ xe buýt không gây thiệt hại đến công tác quản lý, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho rằng, một phần lớn hồ sơ bị cháy đã hết thời hạn lưu trữ, đang được Trung tâm cho rà soát, phân loại để đề xuất tiêu hủy.

Các hồ sơ còn lại là tài liệu chi tiết phục vụ công tác quản lý, điều hành đã được phía đơn vị vận tải sao lưu. Riêng số hồ sơ liên quan đến vấn đề tài chính và quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt từ năm 2011 – 2016, Trung tâm đang lưu trữ bản chính tại trụ sở…

Một doanh nghiệp vận tải cho rằng, tình trạng chậm quyết toán để thanh toán chi phí trợ giá cho xe buýt kéo dài trong nhiều năm đã cho thấy sự tắc trách của cơ quan có trách nhiệm.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kết quả hoạt động của xe buýt tại thành phố không tương xứng với khoản tiền trợ giá từ ngân sách đã ở mức trên 1 ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Bảo Sơn
.
.
.