Lập lại trật tự xe đúng tải còn nhiều gian nan

Thứ Hai, 27/07/2015, 10:23
Con số thống kê từ 5h sáng 23/7 của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E ) là đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cho biết:
Trong ngày 23/7, tại hai trạm cân tải tự động đặt tại trạm thu phí Long Phước và Dầu Giây đã phát hiện 20 trường hợp xe vi phạm tải trọng. Nhưng có 18 trường hợp quá tải chưa đến 10% nên chỉ nhắc nhở tài xế, vẫn cho lưu thông vào cao tốc. Chỉ có hai trường hợp quá tải  từ 27% đến 30%, trạm thu phí Long Phước đã từ chối phục vụ và yêu cầu xe quay trở lại.

Tuy nhiên, ba ngày trước đó, trạm cân xe tự động hoạt động thử nghiệm (từ ngày 20 đến 22/7), VEC E cũng xác định, trung bình mỗi ngày nhân viên trạm cân đã phát hiện, nhắc nhở 200 xe quá tải. Lượng xe quá tải giảm mạnh trong ngày trạm cân chính thức đi vào hoạt động, còn phần lớn đã “tránh né” cao tốc, để tìm đường khác đi. Như vậy, quá tải vẫn là quá tải, không có gì thay đổi về bản chất.

Tại trạm Dầu Giây thiết bị cân sử dụng cảm biến bằng thạch anh, được gắn chìm dưới mặt đường nên thời gian cân một xe tải rất nhanh, xe không cần dừng hẳn vẫn cân được. Số liệu tải trọng lập tức hiển thị trên máy tính. Sau khi đối chiếu kết quả cân với thông số dữ liệu của xe từ cơ quan đăng kiểm, nhân viên sẽ phát hiện quá tải bao nhiêu phần trăm và đưa ra quyết định buộc xe quay đầu, từ chối cho lên cao tốc.

CSGT và TTGT kiểm tra tải trọng xe trên đường vào cảng Cát Lái Q2.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh hiện có trên 200 DN vận tải là hội viên đã ký cam kết và chấp hành nghiêm quy định chở hàng đúng tải trọng cho phép. Nhiều nội dung hoạt động của Hiệp hội đều tập trung vào việc kiểm soát chặt xe chở hàng quá tải, giải quyết tình trạng sang tải, dồn tải xung quanh các cảng, kiểm soát tải trọng đầu vào của cảng.

Hiệp hội cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng, Bộ GTVT, Bộ Công an bổ sung chủ hàng vào đối tượng xử phạt, nâng mức phạt người xếp dỡ bằng với chủ phương tiện, kiểm tra đồng bộ và sử dụng hệ thống cân tự động… Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hiệp hội còn tích cực phát động hội viên thực hiện chở hàng đúng tải, tăng cường quản lý lái xe, phương tiện để bảo đảm ATGT đường bộ.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP, trong 6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng, liên ngành đã phát hiện và xử lý 4.235 vụ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép, với tổng số tiền xử phạt hơn 40 tỷ đồng. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giao cho Giám đốc Sở GTVT TP chỉ định một đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư dự án mua sắm, lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động tại trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm thu phí cầu Phú Mỹ và khu vực ra/vào cảng Cát Lái.

Ngoài ra, TP cũng yêu cầu nhà đầu tư dự án BOT An Sương - An Lạc là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, xem xét phương án đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động (trạm thu phí số 3) bằng nguồn vốn dư của dự án xây dựng nút giao thông tại QL1A - Hương lộ 2. Như vậy, ba cửa ngõ quan trọng ra vào thành phố đều có đặt trạm cân lưu động với quyết tâm dẹp bỏ nạn xe quá tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm 2015. 

So với cùng kỳ năm 2014, tình hình xe chở quá tải, quá khổ đã giảm rất nhiều, rất sâu trên các tuyến QL1A, QL13, QL14, QL22, QL20, QL51… nhưng cùng với sự giảm quá tải đó, một số tuyến đường liên tỉnh, huyện, xã cập kê các QL trên đã bị xe tải cày phá, nát tan do “né trạm cân” và tránh trạm thu phí, tránh CSGT, TTGT. Đây là một thực tế, trả lời câu hỏi vì sao các trạm cân đìu hiu.    

Hoàng Châu
.
.
.