Lãnh đạo có gắt gao, người dân mới được hưởng dịch vụ trọn vẹn

Thứ Tư, 08/07/2015, 09:53
Chiều 6/7, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng của Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tình trạng trộm cắp hàng hóa tại sân bay đang có chiều hướng giảm. Vấn đề an ninh an toàn, tình trạng chậm hủy chuyến, cũng được đảm bảo. Những kết quả này so với thời điểm đầu năm thì khó ai có thể hình dung ra.

Bởi, trước đó đã có không ít cuộc họp về chậm hủy chuyến bay, về chống mất cắp trong ngành Hàng không đã được mang ra bàn thảo, song đều có chung một kết quả là “qua cao điểm kiểm tra” đâu lại vào đấy. Gần đây nhất, là việc bán vé giờ chót khiến nhiều hành khách rơi vào tình trạng bị nhân viên hoặc đại lý lợi dụng bán “quá giá”, hoặc tạo tình trạng khan vé ảo, trong khi trên máy bay thì chỗ vẫn còn.

Nhằm khắc phục tình trạng này, tối 6/7, Cục Hàng không Việt Nam đã có thông báo về kế hoạch cải thiện việc bán vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. 

Lãnh đạo Cục cho biết, về việc hiển thị số chỗ mở bán và giá vé trên hệ thống, hiện nay các hãng hàng không Việt Nam đều đang sử dụng các hệ thống thương mại điện tử hiện đại để phân phối vé máy bay. Số chỗ mở bán và giá vé được hiển thị giống nhau trên tất cả các kênh bán, công khai tại cùng một thời điểm. 

Nếu chuyến bay còn chỗ, thì khách hàng có thể mua được vé qua tất cả các kênh bán cho đến trước giờ bay 3 giờ (đối với các chuyến bay nội địa) từ 4-6 giờ (đối với các chuyên bay quốc tế), hoặc trong vòng 3 giờ trước giờ bay (khung giờ Airport Control) hành khách vẫn có thể mua vé tại các phòng vé sân bay. Khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra sự chính xác của các thông tin này qua các kênh thông tin công khai và tổng đài của các hãng vào bất kỳ thời điểm nào. 

Hiện tại,Việt Nam có 51 hãng hàng không khai thác thị trường quốc tế và 4 hãng hàng không khai thác thị trường nội địa. Việc cạnh tranh trên thị trường diễn ra rất mạnh mẽ đặc biệt là thị trường nội địa, bên cạnh đó, có hãng hàng không (Vietnam Airlines) áp dụng chính sách đặt chỗ vượt quá số lượng ghế cung cấp của tàu bay (overbook) để năng cao hiệu quả sử dụng ghế trên các chuyến bay, do vậy các hãng hàng không Việt Nam không thể áp dụng các chính sách giữ lại chỗ để bán vé giờ chót với giá cao vì điều này là rất rủi ro, gây lãng phí cho hãng hàng không, khách hàng và xã hội.

Vấn đề cung cấp thông tin về tình trạng chỗ tại quầy vé sân bay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không Việt Nam đều đang tích cực triển khai việc hiển thị công khai thông tin cho hành khách tại cảng hàng không. 

Cụ thể, Vietnam Airlines, Vasco đều đã có màn hình lớn hiển thị thông tin về số ghế còn trống của các chuyến bay sắp cất cánh trong ngày, bố trí ở vị trí dễ thấy tại quầy vé sân bay. Các cảng hàng không Điện Biên, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Phú Quốc, Cần Thơ đã hoàn tất lắp đặt trang thiết bị hiển thị, đang trong quá trình thử nghiệm và sớm đưa vào khai thác. 

Đối với hãng Jetstar Pacific hiện đang xây dựng và xúc tiến việc lắp đặt thiết bị hiển thị thông tin tại các cảng hàng không, dự kiến hoàn tất trước 15/7/2015. Đối với Vietjet Air dự kiến từ tháng 8/2015 sẽ cho hiển thị thông tin về tình trạng chỗ của các chuyến bay tại màn hình lớn lắp đặt ở các phòng vé sân bay. 

Các hãng hàng không sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện công tác bán vé để hành khách nắm bắt thông tin và mua vé, hạn chế bị các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý khách hàng cần đi gấp để lừa đảo, bán vé giá cao trục lợi bất chính, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. 

Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ có kế hoạch kiểm tra hoạt động đặt chỗ, bán vé của các hãng hàng không Việt Nam.

Như vậy, có thế nói, nhờ sự chỉ đạo gắt gao từ trên Bộ, từ sự giám sát thường xuyên của các lãnh đạo, đến thời điểm này, người dân mới được hưởng, được tường tận trọn vẹn hơn, một dịch vụ hàng không theo hướng tích cực.

Đặng Nhật
.
.
.