Lãng phí phương tiện tạm giữ kéo dài tại Tây Nguyên

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:14
Công an các tỉnh Tây Nguyên hiện đang tồn tại hàng ngàn phương tiện (chủ yếu là xe môtô) tạm giữ hành chính chờ xử lý. Tuy nhiên, để quản lý, bảo quản các phương tiện này rất khó khăn, tốn kém và phức tạp.


Theo Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk hiện có hơn 1.000 phương tiện vi phạm giao thông tồn đọng tại nhiều bãi xe khác nhau. Hiện nay, việc xử lý những loại phương tiện này rất phức tạp và mất nhiều thời gian; quy trình thanh lý, rao bán các phương tiện vi phạm không có người đến nhận này lại không do phía cơ quan Công an quyết định mà phải thông qua nhiều giai đoạn.

Cụ thể như sau 7 ngày tạm giữ phương tiện, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời về địa phương được xác định theo biển kiểm soát để mời chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm lên nộp phạt. Sau 30 ngày kể từ khi ra thông báo, nếu người vi phạm không liên hệ nộp phạt thì cơ quan chức năng sẽ quyết định tịch thu tài sản và định giá, đưa ra mức đấu thầu để bán nộp vào kho bạc Nhà nước.

Quy trình là vậy nhưng trên thực tế việc xử lý loại phương tiện này gặp không ít khó khăn, bất cập bởi hầu hết chủ phương tiện không đến lấy lại xe. Bên cạnh đó, một số phương tiện cũ, nhập lậu, không có giấy tờ hoặc xe sang tên đổi chủ nhiều lần không rõ ràng, giá trị nộp phạt lớn hơn giá trị xe hoặc xe là tang vật trong các vụ án dẫn đến mất rất nhiều thời gian...

Xe vi phạm được tạm giữ tại Công an TP Buôn Ma Thuột.

Thiếu tá Nguyễn Công Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông số lượng phương tiện vi phạm giao thông tồn đọng không nhiều. Hàng năm, để đẩy nhanh việc xử lý xe vi phạm tại bãi, Phòng đã khẩn trương xác minh, phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là với cơ quan điều tra, nếu xe vi phạm không phải là tang vật của các vụ án sẽ tổ chức bán đấu giá để tránh lãng phí.

Trung tá Hồ Thanh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Pleiku, Gia Lai cho biết, hiện TP Pleiku tạm giữ khoảng 280 phương tiện xe môtô tồn động chờ xử lý. Trong đó, chủ yếu là các đối tượng sử dụng phương tiện không hợp tác với cơ quan Công an bởi xe không giấy tờ, xe thay đổi đặc tính, độ chế, hư hỏng do tai nạn, buôn bán thay đổi nhiều chủ sở hữu mà chưa sang tên…

Theo quy định của UBND tỉnh Gia Lai thì mỗi phương tiện tạm giữ do vi phạm hành chính phải chịu lệ phí 8.000 đồng/ngày đêm, nên nếu để quá lâu sẽ khó thực thi, chủ xe không có giấy tờ nên bỏ luôn…

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT của tỉnh đã tạm giữ gần 3.200 phương tiện xe môtô vi phạm. Trong đó có gần 600 phương tiện sau khi tạm giữ chủ nhân không đến nhận. Đợt 1, cơ quan chức năng đã tiến hành các thủ tục bán đấu giá 250 phương tiện theo quy đinh; số tồn đọng khoảng hơn 330 chiếc đang tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định…

Xe vi phạm được tạm giữ tại Công an TP Buôn Ma Thuột.

N.Như - V.Thành
.
.
.