Phối hợp đảm bảo ATGT trên đường thuỷ nội địa:

Làm thế nào để thay đổi ý thức của người dân khi tham gia giao thông?

Thứ Năm, 02/03/2017, 06:30
Năm 2016, cả nước xảy ra 114 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, làm chết 72 người, bị thương 16 người, chìm đắm và hư hỏng 82 phương tiện thuỷ, thiệt hại về tài sản và hàng hoá khoảng hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, đã xảy ra 7 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 17 người. So với năm 2015, tăng 20 vụ, 1 người chết, 3 người bị thương.

Nguyên nhân tai nạn xuất phát từ ý thức người điều khiển phương tiện trong việc chấp hành các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) chưa cao. Tình hình trên đòi hỏi công tác quản lí nhà nước nói chung, công tác phối hợp đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa nói riêng, trong đó có công tác phối hợp giữa các lực lượng liên ngành.

Đây cũng là những nội dung được được Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường thuỷ nội địa bàn bạc, tìm phương án giải quyết trong Hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa năm 2017 vào ngày 1-3.

Đồng chí Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Năm 2016, 3 đơn vị đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, đảm bảo TTATGT tại 4 lễ hội chính là: Chùa Hương (Hà Nội); lễ hội rước nước tại Bồng Thượng (Thanh Hoá; Hương Tích (Hà Tĩnh; lễ hội Hòn Chén (Thừa Thiên – Huế) và tại nhiều địa phương.

Riêng lực lượng Cảnh sát đường thuỷ đã phát hơn 112 nghìn tài liệu; trực tiếp tuyên truyền cho gần 400 nghìn lượt thuyền trưởng, người lái phương tiện, người dân sinh sống ven sông; yêu cầu gần 16 nghìn chủ bến, chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật; kiểm tra 6.523 lượt bến và phương tiện, phát hiện 644 trường hợp vi phạm, đình chỉ 459 lượt bến, phương tiện không đảm bảo.

Cảnh sát đường thuỷ thực hành cấp cứu người bị nạn.

Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hơn 26 nghìn trường hợp, xử phạt hành chính gần 1.500 trường hợp, thu nộp kho bạc gần 4 tỷ đồng; bắt giữ 227 trường hợp sử dụng xung định đánh bắt thuỷ sản, thanh thải gần 16 nghìn chướng ngại vật...

Chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm ATGT đường thuỷ ở Quảng Ninh, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh  cho biết, đường thuỷ nội địa Quảng Ninh quản lí các tàu, thuyền du lịch bằng bản đồ số, có định vị GMS nên biết chính xác từng phương tiện đang ở vị trí nào, có thể sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.

Một trong những vấn đề Quảng Ninh phải đối diện đó là việc cháy tàu du lịch. Từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 12 vụ cháy tàu, mới nhất là ngày 13-2 vừa qua. 

Nêu những bất cập về luồng tuyến, Thượng tá Phạm Văn Tuyến, Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thuỷ Thái Bình cho biết, hiện nay, hệ thống luồng tuyến không chuẩn xác, nhiều điểm cong cua, luồng hẹp. Trong khi đó, tàu lớn được đóng mới khá nhiều nên dễ xảy ra va chạm, tai nạn.

Đặc biệt, các vụ tai nạn xảy ra đều tại các vị trí cong cua, khó quan sát, luồng hẹp. Chính vì vậy đề nghị Cục đường thuỷ nội địa Cục Đường thuỷ chỉ đạo các đơn vị khảo sát tổng thể, đánh giá lại luồng tuyến để có đánh giá lại cho phù hợp, xây dựng tiêu chí, tăng cường báo hiệu, tổ chức giao thông tại các “điểm đen” để hạn chế tai nạn.

“Bên cạnh đó, Thái Bình đang có khoảng 400 phương tiện tàu cá. Theo quy định là do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lí. Tuy nhiên, hiện tại chưa có hướng dẫn để đăng ký, quản lí các phương tiện, bà con đi đăng kiểm thì ngành đăng kiểm yêu cầu phải làm lại hồ sơ. Như vậy, rất khó cho bà con vì các phương tiện này đều đã cũ nát, sử dụng hàng chục năm, có phương tiện tới 30 năm nên không có hồ sơ, bà con không có kinh phí. Vì vậy, các ngành cần có hướng dẫn cụ thể hơn, làm thế nào để quản lí chặt chẽ hơn mà không ảnh hưởng đến sinh sống của bà con”.

Vấn đề nhiều đại biểu đưa ra, muốn đảm bảo ATGT đường thuỷ, quan trọng nhất vẫn là thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Để làm được điều đó, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xử lí nghiêm các vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, những kiến nghị, đề xuất của các địa biểu, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, phối hợp giải quyết. Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về thuyền bè, thuyền viên để quản lí hiệu quả hơn.

Đối với các bến đò ngang sông, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị các sở Giao thông vận tải cần tham mưu cho UBND tỉnh ký văn bản, giao trách nhiệm cho địa phương quản lí “xã nào có bến khách ngang sông, đò ngang thì phải giao cho Chủ tịch xã trực tiếp quản lý mới đảm bảo ATGT được. Đây cũng chính là thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương. Mục tiêu là đảm bảo cho bà con làm ăn, sinh sống trên đường thuỷ được an toàn, thuận lợi...”.

Phương Thuỷ
.
.
.