Làm sao khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt?

Thứ Năm, 11/10/2018, 10:56
Vừa qua, chính quyền 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã đạt được thỏa thuận với một doanh nghiệp về việc khôi phục lại tuyến đường sắt leo đèo lừng lẫy một thời, nối liền vùng đồng bằng với cao nguyên Đà Lạt. Thế nhưng, hiện nay diện tích đất của đường sắt đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng lại đang bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhiều công trình kiên cố.

Vượt đèo Krông Pha, lên đến địa phận tỉnh Lâm Đồng, một nhà ga được người Pháp cho xây dựng khá bài bản tại tổ dân phố Phú Thuận 1, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương ngày nay. Đây là nhà ga không chỉ đơn thuần là điểm dừng để đón trả khách, hàng hóa mà còn là nơi để thay đầu máy tàu lửa, chuyển từ đầu máy chuyên dụng để kéo các toa tàu leo và xuống đèo sang loại đầu máy thông thường chạy đường bằng.

Do đó, nhà ga tại vị trí này được xây dựng rất rộng, bao gồm nhà chờ, nhà kho, sân ga… và bến bãi tập kết hàng hóa. Nhà ga Eo Gió, thị trấn Dran chỉ nhỏ hơn diện tích nhà ga chính Đà Lạt, lớn hơn tất cả các nhà ga còn lại đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Khuôn viên ga Eo Gió bị người dân lấn chiếm xây nhà cửa.

Thế nhưng, những ngày đầu tháng 10-2018, khi tin chính quyền hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đạt được thỏa thuận với một doanh nghiệp khôi phục lại tuyến đường sắt dài 84km, leo qua hai con đèo lớn là Dran và Krông Pha, chúng tôi trở lại nhà ga Eo Gió thì chứng kiến cảnh nơi đây đã bị nhiều gia đình lấn chiếm làm chỗ ở hoặc làm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Những gì còn lại để nhận diện dấu tích nhà ga chỉ là một số dãy nhà hoang phế, xuống cấp.

Ông Huỳnh Ngọc Hạnh, một gia đình sống kề sân ga từ trước năm 1975 cho biết, trước đây khuôn viên của nhà ga Eo Gió vốn rất rộng. Khoảng sau năm 1970, do tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt chỉ hoạt động cầm chừng. Ngày đất nước thống nhất, đường sắt leo đèo duy nhất Việt Nam và thuộc hạng hiếm có trên thế giới chạy thêm được vài chuyến nữa thì ngừng hoạt động hẳn. Sau những năm 1980, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt bị phá bỏ.

Các đường ray bị tháo dỡ nhằm mục đích đem xuống tu sửa tuyến đường sắt Bắc – Nam nhưng không phù hợp vì đường ray này thiết kế đặc biệt dành riêng cho tàu hỏa leo núi. Không được quản lý chặt chẽ, nhiều người dân địa phương cũng đua nhau đến tháo đường ray tàu để bán sắt vụn. Ngay cả những đầu tàu chuyên dụng chạy bằng hơi nước được thiết kế để leo đèo cũng bị ngành Đường sắt Việt Nam đem bán lại cho một doanh nghiệp của Thụy Sỹ vào năm 1990 với giá cao hơn giá sắt vụn.

Cũng từ đó, các nhà ga dọc theo tuyến đường sắt này trở thành hoang phế, đổ nát dần theo thời gian, trong đó có nhà ga Eo Gió, ga Đơn Dương ở thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, ga Trạm Hành, Cầu Đất, Đa Thọ của TP Đà Lạt.

Ban đầu, một số người làm thuê ở các nơi tới địa phương làm việc đã tận dụng nhà ga làm nhà sinh sống rồi cơi nới, lấn chiếm dần. Cũng theo ông Hạnh, những năm gần đây, khi đất đai tại địa phương lên giá mạnh, khu vực gia Eo Gió lại giáp với mặt tiền QL27 nên nhiều người đua nhau lấn chiếm đất nhà ga.

Thậm chí, một số gia đình không rõ được ai “bật đèn xanh” mà lại ngang nhiên xây dựng nhà cửa kiên cố lên giữa vị trí đất vốn là đường ray xe lửa ở ga Eo Gió. Đất đai tại các nhà ga khác như Đơn Dương, Cầu Đất, Trạm Hành… cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Theo quan sát của PV, nhiều vị trí đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm qua địa phận thị trấn Dran, huyện Đơn Dương đã bị người dân cho xây dựng nhà cửa, trong đó có một số căn nhà kiên cố mới xây dựng từ đầu năm 2018 đến nay.

Trả lời PV Báo CAND về vấn đề này, ông Trần Thanh Vũ, Chủ tịch UBND thị trấn Dran cho biết, ông mới về nhận công tác tại địa phương nên chưa rõ vấn đề đất các nhà ga đi qua địa bàn thị trấn bị người dân lấn chiếm. Theo ông Vũ, những căn nhà xây dựng trên diện tích đất của đường sắt đã xảy ra từ lâu, do yếu tố lịch sử để lại. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều căn nhà được xây dựng trong khu vực nhà ga Eo Gió mới từ đầu năm 2018 đến nay.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT&VT Lâm Đồng cũng cho biết, một thời gian dài tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt bị bỏ hoang, gần như không đơn vị nào quản lý nên tòan bộ cơ sở vật chất ở các nhà ga như Đa Thọ, Cầu Đất, Trạm Hành, Đơn Dương, Eo Gió… đều bị xuống cấp, hư hỏng. Đất đai của ngành Đường sắt do các địa phương quản lý lỏng lẻo nên bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn, nhiều công trình, nhà cửa kiên cố cũng đã bị người dân xây dựng trong khuôn viên đất của các nhà ga và đường sắt.

Cũng theo ông Tuấn, khi tiến hành khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, đây sẽ là vấn đề nan giải cho nhà đầu tư và chính quyền địa phương khi phải giải tỏa những gia đình đã lấn chiếm đất đường sắt để xây dựng nhà cửa và các công trình kiên cố khác. 

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt vào chiều ngày 9-10 vừa qua, ông Trần Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT&VT khẳng định đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là sản phẩm kết nối du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương.

Trước tình trạng đất đai của tuyến đường sắt bị lấn chiếm, ông Trần Văn Thể đề nghị hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, không để mất thêm đất, không để phát sinh thêm các đường ngang tự mở trên tuyến đường sắt hiện nay.

Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84km được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 đường hầm, có 2 đoạn đường ray răng cưa dài gần 14km vượt đèo. Đến năm 1986, toàn bộ đường ray trên tuyến đường này bị tháo gỡ. Tháng 8-2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Khắc Lịch
.
.
.