Làm cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc - liệu có khả thi?

Chủ Nhật, 01/07/2018, 08:52
Một nguồn tin cho hay, mới đây, Tập đoàn Poma (một công ty chuyên về cáp treo của Pháp) đã có đề xuất gửi tới Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội về việc xây dựng một tuyến cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc giao thông.

Dù mới chỉ là đề xuất song không ít người dân cho rằng, có thể ở một số nước, đây là giải pháp khả thi, song với Hà Nội, khi cơ sở hạ tầng còn đang trong giai đoạn cải tổ, quy hoạch, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì giải pháp xây thêm các trạm trung chuyển cáp treo hai bên bờ sông có thể gây thêm áp lực ùn tắc.

Tuyến cáp treo vượt sông Hồng do Tập đoàn Poma đề xuất nhằm phục vụ vận tải công cộng giống như xe buýt. Tuyến cáp treo có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).

Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cáp treo vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp. Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 - 100m, với sức chứa từ 25 đến 30 khách trên mỗi cabin. Mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên.

Tuyến cáp treo có chiều dài hơn 5km. Trong đó, có khoảng 1,2km cáp treo vượt sông Hồng và khoảng 4km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất. Đại diện nhà đầu tư cho biết, do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành rất ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây.

Nói về đề xuất trên, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị này chỉ vừa tiếp nhận đề xuất trên và đang tiến hành nghiên cứu. Theo ông Tuấn, nhà đầu tư mới chỉ đưa phương án để xin chủ trương nên chưa có các phương án tài chính cụ thể.

"Những năm gần đây, ùn tắc tại Hà Nội có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Hà Nội cũng nhận được rất nhiều đề xuất về các phương án giảm ùn tắc khác. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội đều phải nghiên cứu kỹ để đánh giá mức độ phù hợp mới cho triển khai thực tế. Đây có thể là giải pháp hiệu quả ở một số nước, nhưng quan trọng phải phù hợp với điều kiện của Hà Nội", ông Tuấn nói và thông tin thêm: “Hà Nội sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, giải pháp nào hiệu quả mới cho thực hiện thí điểm”.

Ùn tắc giao thông vẫn là bài toán nan giải của Hà Nội. Ảnh: CTV.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam nhận định, việc xây dựng nhiều cầu và phương tiện vượt sông xuất phát từ một Nghị định chống ách tắc giao thông đô thị của Chính phủ ban hành từ năm 2008.

Tuy nhiên, khi đề cập cụ thể hơn về đề xuất này, TS. Phạm Sỹ Liêm khuyến cáo: Vấn đề thứ nhất: Chiều cao cột cáp ngoài việc phải đảm bảo mỹ thuật còn ảnh hưởng bởi không gian khu vực sông Hồng nằm đồng bằng lõm giữa các dãy Sóc Sơn và Ba Vì, hướng phía đông Gia Lâm và hướng nam là hướng biển. Khi giông bão, tốc độ gió lớn cần điều chỉnh chiều cao cột cáp treo và giảm vận hành hoặc dừng. Vậy thì vấn đề giảm tải lên hệ thống giao thông mặt đất lúc đó không khả thi.

Bên cạnh đó là vấn đề về không gian bến bãi. Làm cáp treo không tốn diện tích nhưng lại cần đến sự kết nối từ các phương tiện khác, cần phải có thêm những bãi đất trống làm bãi trông giữ xe giữa hai đầu cáp treo thì sẽ rất phức tạp đó là vấn đề quy hoạch bến bãi.

Ngoài ra, một vấn đề đáng phải xem xét về quy hoạch giao thông đô thị, theo TS. Liêm, trước đây cũng có đề xuất xây dựng cầu đường sắt Long Biên 2 kết nối vào vị trí bến xe trung chuyển, không rõ quy hoạch này hiện nay ra sao? Bộ GTVT cùng UBND thành phố Hà Nội và tổ chức JICA-Nhật Bản chấp thuận từ năm 2011 đề xuất cầu đường sắt.

Một chuyên gia giao thông khác cũng cho rằng, đây không phải là một đề xuất hợp lý, cáp treo chỉ nên xây dựng ở những nơi có cảnh đẹp hay những địa điểm du lịch. Nếu xây dựng ở Hà Nội thì lưu lượng chở khách của cáp treo rất là nhỏ mà người tham gia giao thông lại quá đông, sợ rằng cáp treo sẽ bị quá tải. Nếu đưa vào hoạt động với tần suất liên tục 365 ngày trong một năm thì chi phí bảo dưỡng sẽ rất lớn, gây tốn kém không cần thiết.

Chưa kể đến việc xây dựng cáp treo sẽ gây ùn tắc ở hai đầu bến là trạm trung chuyển Long Biên và bến xe Gia Lâm.

Cũng liên quan đến giải pháp giảm thiểu ùn tắc cho nội đô, tới đây Hà Nội sẽ triển khai xây bến xe Yên Sở  ngay sát vành đai 3. Điều này cũng đang gây lo ngại về tính hiệu quả thật sự của bến xe, khi cách đó chưa đầy 1km đã có bến xe Nước Ngầm.

Thế nhưng, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, theo Quy hoạch GTVT Hà Nội, trong đó có bến xe tĩnh của Hà Nội, bãi đỗ xe Yên Sở phù hợp với quy hoạch, quy hoạch này cũng đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg năm 2016. Đến nay, Hà Nội cũng chưa có quy hoạch nào về bến xe ngoài Quyết định 519 này.

Trong khi đó, nếu chỉ xây dựng một bến xe phía Nam (Ngọc Hồi) để thay thế 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ là quá tải. Do vậy, cần phải có một bến xe Yên Sở trong trung hạn nhằm điều tiết nhu cầu và hỗ trợ cho bến xe phía Nam.

Đặng Nhật
.
.
.