Vì sao giới vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đồng loạt phản ứng?

Kỳ cuối: Phí cầu đường cao hơn chi phí nhiên liệu

Chủ Nhật, 18/12/2016, 09:47
Nêu bức xúc về mức phí bảo trì đường bộ đối với xe vận tải hàng hóa đang là gánh nặng cho DN vận tải, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa Liên Minh cho biết, một năm ít nhất cũng có đến 48 ngày chủ nhật, đây là những ngày hầu hết các đầu mối trung chuyển hàng hóa không làm việc. 


Thực tế, mỗi đầu xe container bình quân một năm chỉ hoạt động được khoảng 9 tháng, tức 275 ngày; 90 ngày còn lại phải ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân như xe nghỉ trong các ngày lễ tết, thứ 7, chủ nhật, thời gian xe đậu để bảo trì, bảo dưỡng, xét xe… chưa kể đến việc DN gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, tạm ngưng lưu hành xe... song vẫn cứ phải è cổ đóng phí bảo trì đường bộ; bị truy thu khi đưa phương tiện đi kiểm định lại là điều không phù hợp, gây thêm gánh nặng cho giới vận tải. 

Bởi 1 xe đầu kéo có khối lượng tự thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40 tấn trở lên phải đóng phí bảo trì đường bộ cho thời hạn 12 tháng ở mức 17,16 triệu đồng.

Các DN vận tải phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, vốn lưu động không nhiều, việc đầu tư xe chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng nên việc áp dụng mức đóng phí bảo trì đường bộ như trên là quá sức đối với nhiều DN.

Mức phí qua trạm BOT đã cao, việc thu phí lại còn gây tình trạng kẹt xe.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, ngoài mức phí bảo trì đường bộ trên, khi xe lưu thông tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu còn tiếp tục phải đóng phí giao thông đường bộ cho các trạm thu phí BOT với mật độ dày đặc, được bố trí theo kiểu “bao vây” đối với phương tiện vận tải.

Tính toán của Hiệp hội Vận tải cho thấy, hiện chi phí cho lượt đi, lượt về qua các trạm BOT trên tuyến đường từ các cảng ở quận 7 đi Vũng Tàu là 800 ngàn đồng gồm phí qua lại trạm cầu Phú Mỹ 160 ngàn đồng; trạm QL 51 320 ngàn đồng và trạm cao tốc Long Thành - Dầu Giây 320 ngàn đồng.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu cho chuyến hàng trên tuyến này chỉ vào khoảng 750 ngàn đồng do xe chỉ tiêu tốn chừng 60 lít dầu. Gần hơn, từ các cảng ở quận 7 xuống Biên Hòa, tiền phí qua các trạm BOT cũng đã lên tới 560 ngàn đồng/chuyến hàng khi chủ xe phải trả cho các trạm thu phí cầu Phú Mỹ 160 ngàn đồng; trạm xa lộ Hà Nội 160 ngàn đồng và trạm cầu Đồng Nai 240 ngàn đồng, trong khi chi phí nhiên liệu chỉ ở mức 437 ngàn đồng cho 35 lít dầu.

Như vậy, phí giao thông đường bộ để xe qua các trạm BOT cao hơn chi phí nhiên liệu để xe vận hành trên tuyến vận chuyển trên đang thực sự là gánh nặng cho các DN vận tải. Từ thực tế này, giới vận tải tiếp tục đề nghị giảm mức phí bảo trì đường bộ với các phương tiện vận tải hàng hóa bằng ôtô.

Đồng thời cho phép các phương tiện vận tải không có hàng hóa hoặc vì nhiều lý do khác mà hết thời hạn đăng kiểm nhưng doanh nghiệp không đưa phương tiện đi đăng kiểm lại nghĩa là tạm thời doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng xe thì không bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe tạm dừng hoạt động.

Phí đường bộ đã cao nhưng muốn mua vé tháng, DN vận tải cũng gặp phiền hà. Sau nhiều lần kiến nghị, tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cũng vẫn chỉ được Bộ Tài chính khẳng định rằng “Vé tháng dùng để thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí nơi phát hành trong vòng 1 tháng kể từ ngày 1 đến ngày kết thúc theo thời hạn ghi trên vé”.

Phản ứng lại nội dung này, Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp. Lý do, nhiều DN vận tải có nhu cầu mua vé tháng sau ngày mùng 1 hàng tháng.

Chẳng hạn DN mua vé từ ngày 10 tháng này để sử dụng đến ngày 10 tháng sau nhưng trạm thu phí xa lộ Hà Nội vẫn yêu cầu phải trả tiền phí từ ngày 1 của tháng đó, tức phải trả phí cho 9 ngày trước khi DN vận tải chưa có nhu cầu sử dụng.

Điều này gây thêm khó khăn cho DN vận tải, đối tượng có nhu cầu sử dụng vé tháng thường xuyên. Nhất là tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội là tuyến huyết mạch từ cảng container Cát Lái đi các tỉnh, nơi thường xuyên có lưu lượng phương tiện rất lớn qua lại.

Từ đó Hiệp hội Vận tải hàng hóa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi quy định này khi theo hướng “Vé tháng phải được tính từ ngày DN có nhu cầu mua đến thời hạn kết thúc ghi trên vé” để áp dụng thống nhất trên cả nước khi quy định trên  hết hiệu lực vào ngày 1-1-2017 sắp tới.

Thắng - Mừng
.
.
.