Giải bài toán hạ tầng giao thông để khai thác tiềm năng đất "chín rồng"

Kỳ cuối: Kết nối giao thông để phát triển

Thứ Hai, 19/08/2019, 00:47
Theo các chuyên gia, để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển của cả nước, cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững, tăng cường kết nối giao thông vận tải với TP HCM, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.

Kỳ vọng những dự án nghìn tỷ

Cuối tháng 6-2019, tại Diễn đàn ĐBSCL năm 2019, Bộ GTVT đánh giá  ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng của cả nước nhưng thời gian qua hạ tầng giao thông đang là “điểm nghẽn”, tổng vốn đầu tư còn thấp so với các khu vực khác trên cả nước nên hệ thống giao thông vùng ĐBSCL chưa đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. 

Do vậy, thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT tập trung triển khai đầu tư 32 công trình trọng điểm cho vùng với nguồn vốn phải có là 95.000 tỉ đồng, trong đó có những dự án lớn như đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; các cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2; đầu tư hoàn chỉnh tuyến N1, nâng cấp QL60... 

Việc triển khai 32 dự án trên không chỉ tăng cường sự phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL mà còn kết nối, liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.

Trong khi đó, thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trong số 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, có tới 4 dự án thuộc khu vực Tây Nam bộ. 

Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (1.200 tỷ đồng); dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (800 tỷ đồng); dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản lộ Phụng Hiệp (900 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre (875 tỷ đồng).

Cả 4 dự án vừa kể được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành năm 2020. Bộ GTVT cũng chuẩn bị đầu tư công trình cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2.  Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 200km, được quy hoạch với 4 làn xe và lộ trình đầu tư trong giai đoạn sau 2030, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 29.602 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến này lên giai đoạn trước 2030 và kéo dài tuyến kết nối với cảng Trần Đề. Cuối năm 2018, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nguồn viện trợ không hoàn lại để thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. 
Vùng ĐBSCL cần có cơ chế chính sách riêng để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách tham gia phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Phía ADB cũng đã ủng hộ, xem xét hỗ trợ kỹ thuật cho dự án. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để kêu gọi vốn đầu tư dự án trong giai đoạn 2021-2025. 

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được tỉnh kiến nghị đề xuất dự án trong năm 2019 và xem xét đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

“Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT đánh giá đây là con đường chiến lược và tương lai trở thành một trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL. Với việc kết hợp với quy hoạch Cảng Trần Đề trong tương lai, một cảng biển lớn thì con đường này sẽ là nhu cầu vận tải của các tỉnh và kết nối Campuchia”, bà Võ Thị Ánh Xuân, nói.

Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, với Bến Tre, việc khởi động và triển khai cầu Rạch Miễu 2 là vô cùng quan trọng, không chỉ cho tỉnh Bến Tre mà cả khu vực các tỉnh lân cận, kể cả kết nối với TP Hồ Chí Minh. 

Cầu góp phần tạo động lực phát triển KT-XH vùng, giảm tải lưu lượng phương tiện trên QL1A. Bến Tre cũng đã chuẩn bị đăng ký làm việc với Quốc hội, Chính phủ để trình bày phương án này.

Với dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là vô cùng quan trọng và cấp thiết. 

Đây sẽ là dự án ưu tiên số một của Bộ GTVT trình Chính phủ, Quốc hội xem xét để khi được phê duyệt có thể triển khai ngay và dự kiến nếu thuận lợi cuối năm 2023, cầu Rạch Miễu 2 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, đồng thời đó là việc cầu Đại Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP Hồ Chí Minh, phá bỏ thế độc đạo của tuyến QL1A.

Sau khi các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ so với tuyến QL1. 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần phải đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, vành đai và bổ sung các tuyến đường mới để kết nối mạng giao thông khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL.

Cần có cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương

“Hiện nay bất cập hạ tầng vùng ĐBSCL còn thiếu và yếu. Tất cả dồn vào QL1A đã đến tắc nghẽn, chi phí vận tải cao sẽ đánh thẳng vào giá trị hàng hóa. Nếu muốn kinh tế phát triển phải đầu tư hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải. Chi phí logistics cao, do hạ tầng thiếu và yếu. Đường sắt chưa có, đường thủy chưa phát triển, kết nối hạ tầng các tuyến giao thông thủy bộ còn kém”, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đánh giá.

Chia sẻ về giải pháp hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng: “Tháo các điểm nghẽn giao thông đồng bằng là tìm lời giải cho bài toán khó “vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn”. 

Đó là bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng các giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông và tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng để phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐBSCL”.

Cũng theo TS Trần Hữu Hiệp, hiện nay ngoài việc sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và hoàn thiện một số tuyến như N2, QL60 đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên, đầu tư mới cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, thì vấn đề tiên quyết là giải bài toán vốn đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, trong đó các dự án hướng đến tăng cường giao thông liên kết vùng, kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt… 

Cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện đầu tư các đường vành đai, các tuyến cao tốc với sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các địa phương có điều kiện trong vùng ĐBSCL.

Có như vậy mới hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội cảng, đường thủy và thềm lục địa Việt Nam cho biết, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên có nhiều điều kiện để phát triển giao thông đường thủy, hệ thống giao thông này có thể đến tận nhà dân nên Nhà nước cần phải đưa ra quy định, hướng dẫn người dân đầu tư phương tiện phù hợp, đúng tuyến.

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở GTVT Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương cần quan tâm, khai thác hệ thống đường thủy kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố ĐBSCL. 

Bởi, đây là loại hình vận tải có lợi thế của các địa phương vùng ĐBSCL do chi phí vận tải thấp, vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, là giải pháp quan trọng để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ. 

Cà Mau cũng kiến nghị sớm đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai thành cảng biển trung chuyển quốc tế, đây là cửa ngõ cực Nam của Tổ quốc kết nối giao thương với quốc tế rất thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng.

Còn ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển đồng bộ kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL cần có cơ chế chính sách riêng để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách tham gia phát triển cơ sở hạ tầng. 

Vì vậy, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối vùng ĐBSCL như theo quy hoạch được duyệt. 

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương cần ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.