Vì sao giới vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đồng loạt phản ứng?

Kỳ 2: Cầu, đường ra vào cảng và khu công nghiệp không đủ tải trọng chuẩn

Thứ Bảy, 17/12/2016, 09:31
Ông Phạm Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng rời, sắt thép và container phản ánh, quy định về cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc chở container và chở hàng rời, sắp thép… hiện chưa phù hợp với thực tế, gây rất nhiều khó khăn cho DN vận tải.

Cụ thể, Thông tư số 10/2015 của Bộ GTVT quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải là phải “Bố trí phương tiện phù hợp với loại hàng hóa cần vận chuyển và khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến đường vận chuyển theo quy định”.

Trong khi các DN ở KCN-KCX… đang sử dụng container như loại công cụ tối ưu nhất để đóng hàng hóa XNK, còn phương tiện để vận chuyển container phù hợp là tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc. Đầu kéo gắn liền với sơmi rơmoóc tạo thành một tổ hợp xe gồm nhiều cụm trục bánh xe, phổ biến hiện nay là loại xe tổ hợp 5 trục hoặc 6 trục.

Căn cứ trên tổng trọng lượng của tổ hợp xe nói trên, cùng với giới hạn về xếp hàng bằng container theo chuẩn quốc tế, DN vận tải sẽ dựa vào thực tế để bố trí tổ hợp xe loại 5 trục hay 6 trục cho phù hợp với loại hàng hóa cần vận chuyển. Các lực lượng có trách nhiệm kiểm soát tải trọng phương tiện cũng chỉ cần dựa vào quy định này để cân tổng trọng lượng xem xe có vi phạm tải trọng hay không. Sau đó tùy theo mức độ tổng trọng tải sẽ có chế tài xử phạt nhằm mục đích răn đe và phòng ngừa chung đối với lái xe, DN.

Do tính chất đặc thù của tổ hợp xe chuyên dụng chở container như trên, ngoài việc đề nghị lùi thời hạn xử phạt, các DN vận tải tại thành phố còn kiến nghị sửa đổi quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP theo hướng chỉ xử phạt đối với lái xe, chủ phương tiện tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc loại 5 hoặc 6 trục khi có hành vi chở hàng quá tổng trọng lượng của xe.

Cùng lúc cho bổ sung giảm mức xử phạt đối với lái xe, chủ DN khi vi phạm về lỗi chở hàng quá tải trọng trục từ mức 25% trở lên. Bởi theo ông Lợi, việc vi phạm lỗi này thuộc về vô ý, không phải lỗi chủ quan của lái xe hoặc DN. Về lâu dài, cần bỏ luôn hình thức kiểm tra tải trọng trục đối với tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc, chỉ áp dụng hình thức kiểm tra tổng trọng lượng xe.

Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cũng cho biết đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đồng thuận tại một văn bản ban hành vào tháng 6-2014.

Để hạn chế tình trạng DN vận tải bị phạt oan do tải trọng cầu đường không đồng bộ, giới vận tải hàng hóa thành phố cũng đồng loạt kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các KCN-KCX… phải rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu đường bộ gắn biển báo tải trọng thấp. Từ đó có giải pháp phù hợp để hỗ trợ phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động. Những cầu, đường đã được xây dựng mới không hạn chế tải trọng cần yêu cầu Sở GTVT tỉnh, thành cho tháo biển báo hạn chế tải trọng để phương tiện lưu thông.

Xe container dễ gây tai nạn sau cải tạo sơmi rơmoóc do bán kinh vòng quay được mở rộng khi ôm cua.

Điều nghịch lý đã được các DN vận tải khảo sát, chỉ ra là tại nhiều địa phương, cầu và đường bộ vào các KCN-KCX rồi hệ thống kho hàng, cảng sông, cảng biển chưa đồng bộ, thậm chí nhiều cầu, đường được gắn biển báo tải trọng quá thấp. Trong khi đó, tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc vận chuyển hàng hóa XNK ra vào các khu vực này hầu như đều có tổng trọng lượng 42 tấn với xe 5 trục và 48 tấn xe 6 trục theo quy định của Bộ GTVT.

Với trọng lượng đó, khi đi qua các cầu, đường gắn tải trọng từ 30 tấn trở lại, gần như 100% phương tiện lưu thông qua cầu bị quá tải với mức rất cao và bị xử phạt khá nặng, lên tới vài chục triệu đồng vì lỗi vi phạm này.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh:

Cầu Tân Tạo nằm trên đường Trần Văn Giàu, nối Quận Bình Tân với huyện Bình Chánh và đây là tuyến đường đến KCN Đức Hòa - Long An xe tải thường xuyên lưu thông nhưng chỉ gắn biển báo hạn chế trọng lượng xe ở mức 30 tấn.

Cầu Thầy Cai trên tuyến tỉnh lộ 8 từ Củ Chi dẫn vào KCN Đức Hòa gắn biển báo hạn chế trọng tải xe 30 tấn. Cầu Phú Xuân trên đường Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 với Nhà Bè của TP Hồ Chí Minh - khu vực có nhiều cảng biển, kho bãi, xí nghiệp, nhưng cũng gắn biển báo hạn chế trọng tải xe ở mức 30 tấn.

Cầu Bà Ký dẫn vào các KCN thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai gắn biển báo cấm tải. Cầu Ông Binh dẫn vào cảng Bourbon ở Long An - một cảng lớn có thể tiếp nhận tàu biển nội địa và tàu biển nước ngoài cập cảng nhưng gắn biển báo hạn chế trọng tải xe là 25 tấn.

Cầu Long Khê trên đường ĐT 835 dẫn vào KCN Cầu Tràm của Long An gắn biển báo hạn chế trọng tải xe 30 tấn…

Thắng – Mừng
.
.
.