Đăng kiểm phương tiện giao thông:

Kiểm tra ra nhiều vi phạm

Thứ Ba, 09/06/2015, 13:28
Dù Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát chặt các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc, đồng thời xử lý mạnh tay các đăng kiểm viên (ĐKV) vi phạm. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2015 vẫn có tới 23 ĐKV tại hơn chục trung tâm bị phát hiện có sai phạm. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật giả cũng đang nóng trở lại. Điều này có thể thấy, nếu công tác đăng kiểm không thật sự được chú trọng, thì nguy cơ mất an toàn giao thông còn hiện hữu trên các cung đường…

Phát hiện bất thường thông qua hệ thống camera giám sát

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015 đã có 20 ĐKV bị đình chỉ chức danh do sai phạm trong nghề nghiệp, dẫn tới một trung tâm và bốn dây chuyền bị buộc phải tạm ngừng hoạt động. Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2015 vừa qua có đến 12 ĐKV của 6 trung tâm đăng kiểm bị phát hiện, xử lý.

Người phụ trách các dây chuyền kiểm định buộc phải có tay nghề bậc cao.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các trường hợp sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động hậu kiểm, phúc tra ngẫu nhiên kết quả kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm hoặc phát hiện sự bất thường qua hệ thống giám sát camera.

“Trong các trường hợp bị kỷ luật từ đầu năm 2015 đến nay, không có trường hợp nào do có biểu hiện tiêu cực, nhận tiền của lái xe, mà đều do cá nhân ĐKV bỏ sót nội dung, chi tiết kỹ thuật phương tiện phải kiểm tra; do đánh giá, kết luận không đúng tình trạng kỹ thuật, đánh giá từ không đạt thành đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, tính chất, mức độ vi phạm đã giảm so với năm trước”, ông Trí nói.

Đồng thời, ông Trí cũng lý giải nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sai phạm của các ĐKV còn do sự quản lý tại nội bộ của trung tâm đăng kiểm thiếu chặt chẽ. Cùng đó, ĐKV không thường xuyên được luân chuyển kiểm định ở cả 5 công đoạn, dẫn đến có trường hợp chỉ làm ở một công đoạn trong thời gian dài, nên thiếu kinh nghiệm, độ chuẩn xác khi kiểm định công đoạn khác.

Trước đó, kết quả thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động các trung tâm đăng kiểm trên cả nước năm 2014 của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, còn tồn tại nhiều bất cập như có đến 36/97 trung tâm đăng kiểm chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích, 45/97 trung tâm đăng kiểm chưa đáp ứng về hầm kiểm tra. Đối với các đăng kiểm viên, qua kiểm tra toàn diện, Cục Đăng kiểm cũng đã phát hiện 128 đăng kiểm mắc sai sót về nghiệp vụ, 49 đăng kiểm viên thực hiện sai quy trình.

Tất cả các đăng kiểm viên vi phạm hoặc mắc lỗi nghiệp vụ, Cục Đăng kiểm đã xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đối với các trung tâm đăng kiểm chưa đáp ứng được yêu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT không hồi tố mà giãn thời gian cho các trung tâm đăng kiểm đầu tư, củng cố lại cơ sở vật chất cũng như con người.

Đăng kiểm giả “nóng” trở lại

Bên cạnh việc còn nhiều đăng kiểm viên bỏ lọt quy trình thì  thời gian gần đây, tình trạng sử dụng đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật giả cũng đang nóng trở lại.

Trong tháng 3, Công an Đà Nẵng đã tiếp nhận điều tra hành vi làm giấy tờ chứng nhận đăng kiểm giả. Trong khi cơ quan chức năng còn đang điều tra làm rõ, thì tại trạm thu phí hầm Hải Vân và Hòa Phước (Đà Nẵng) lại phát hiện 15 xe đăng kiểm giả mà các tài xế dùng để qua trạm thu phí. Theo đơn vị quản lý hai trạm thu phí Hòa Phước, Hải Vân, các giấy đăng kiểm giả này chủ yếu xuất hiện ở các xe tải khu vực phía Bắc, nhiều nhất là Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa...

Đáng nói, thủ đoạn của các lái xe tinh vi hơn, thường mỗi lái xe có 2 sổ đăng kiểm, một sổ thật để phòng khi lực lượng CSGT kiểm tra, một sổ giả để qua các trạm thu phí với tải trọng thấp hơn để giảm tiền vé qua trạm BOT. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tình trạng sử dụng đăng kiểm giả để lưu thông phương tiện đã diễn ra từ lâu, nhưng muốn xử lý phải có lực lượng Công an vào cuộc, lực lượng đăng kiểm không có chức năng kiểm tra, kiểm soát trên đường nên không thể phát hiện và xử lý được.

Trong khi đó, để bóc gỡ một đường dây làm giấy tờ giả không hề đơn giản. Bằng chứng hồi tháng 4 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án liên quan đến các đối tượng chuyên làm giấy tờ ô tô giả, trong đó có giấy chứng nhận đăng kiểm. Theo cơ quan điều tra, chuyên án này được các trinh sát theo dõi gần 1 năm ròng.

Để siết chặt hoạt đông đăng kiểm, thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cảnh cáo 15 trung tâm đăng kiểm, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm với 11 trung tâm; đình chỉ hoạt động 1 tháng với Trung tâm 11-01S (Lạng Sơn) và 14-02S (Quảng Ninh).

Không những vậy, Cục Đăng kiểm cũng chỉ ra 27 trung tâm đăng kiểm hiện không đáp ứng về mặt nhân lực, thiếu đăng kiểm viên theo quy định, hoặc đăng kiểm viên không đủ so với lưu lượng phương tiện vào kiểm định. Tuy nhiên, thiết nghĩ, việc siết chặt này phải được làm thường xuyên hơn nữa, bởi công tác đăng kiểm là khâu vô cùng quan trọng, để đảm bảo an toàn bước đầu cho mỗi xe trước khi lưu thông chính thức trên đường.

Từ 1/7, chỉ đăng kiểm viên bậc cao mới được kiểm định xe khách

Theo quy định của Bộ GTVT tại Thông tư số 10, từ ngày 1/7/2015, việc kiểm định gầm xe chở người từ 16 chỗ, ôtô tải và ôtô đầu kéo có khối lượng cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên đã sản xuất trên 7 năm phải do ĐKV xe cơ giới bậc cao trực tiếp kiểm tra, đánh giá. Cùng đó, người phụ trách các dây chuyền kiểm định cũng buộc phải có tay nghề ĐKV bậc cao. ĐKV bậc cao là người đã có tay nghề từ ba năm trở lên, dịch được các thông số kỹ thuật cơ bản của ôtô bằng tiếng Anh và vượt qua kỳ tập huấn nghiệp vụ nâng cao, được Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận trình độ bậc cao.

Đặng Nhật
.
.
.