Hà Nội ra quân xử lý người điều khiển ôtô, xe máy sử dụng rượu, bia:

Kiểm tra là ra vi phạm

Thứ Tư, 17/12/2014, 10:03
Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Từ ngày 16/12,  Phòng CSGT ĐB – ĐS (Công an TP Hà Nội) đã chính thức  bắt đầu đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Theo chân các tổ công tác ghi nhận trưa 16/12 trên nhiều tuyến đường, phóng viên nhận thấy, ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, không có sự cố tình chống đối. Số trường hợp vi phạm cũng không nhiều như thời điểm này năm ngoái.

Uống rượu, bia khi đi xe máy, phạt từ 500 nghìn - 3 triệu đồng

13h30, dù không phải giờ cao điểm, xong ngã tư Mai Động - Kim Ngưu - Tam Trinh -Minh Khai luôn có lượng người lưu thông đông nghịt. Gió hanh, lạnh, cộng với bụi mù, xen lẫn mùi hôi bốc lên từ con sông Kim Ngưu, khiến người đi đường ai cũng cảm thấy khó chịu, và cố đi thật nhanh qua đoạn đường này.

CSGT hướng dẫn người dân cách thổi để kiểm tra nồng độ cồn, trưa 16/12 tại đường Minh Khai - Tam Trinh. (Ảnh: Thanh Huyền)

Thế nhưng, ngoài tổ công tác làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng, thì một tổ công tác khác làm nhiệm vụ xử lý vi phạm, tất thảy gần chục chiến sĩ CSGT, vẫn phải phơi mặt, bám đường để thực thi nhiệm vụ. Dù có gió lạnh, hay đường bụi, thì những người tham gia lưu thông trên đường nếu sử dụng rượu, bia vẫn khó qua mắt được lực lượng CSGT. Chỉ sau vài phút vào ca trực, tổ công tác của Đội CSGT số 4 đã phát hiện một thanh niên đang dừng đèn đỏ có hiểu hiện đỏ mặt. Nhẹ nhàng yêu cầu người thanh niên này dừng xe, lên vỉa hè để thổi máy, kiểm tra nồng độ cồn. Sau 3 giây, máy báo ngay kết quả, nồng độ cồn là 0,513mg/lít khí thở.

Biết là không thể chối cãi về kết quả, anh Nguyễn Ninh Dương (21 tuổi, ở Thôn Vàng, Cổ Bi, Gia Lâm) đành thú thật: “Em vừa làm vài chén ở đám cưới, mong các anh thông cảm”. Để người vi phạm nhận thức rõ hơn về hành vi của mình, Thiếu úy Chử Trung Hiếu đã kiên nhẫn giảng giải về kết quả máy đo nồng độ cồn in ra, cũng như dẫn chứng Luật Giao thông cho anh Dương, sau đó mới tiến hành lập biên bản. Bị phạt ở mức cao nhất là 2,5 triệu đồng, anh Nguyễn Ninh Dương dường như đã tỏ ra ân hận về sự quá chén của mình. 

Biên bản này chưa lập xong, thì người vi phạm khác đã chờ. Đó là anh Vũ Quang Hưng (40 tuổi, ở Hà Nam). Trước khi ngậm ống thổi, anh Hưng cũng đã được CSGT hướng dẫn thổi hơi đều, thì kết quả mới chính xác. Thế nhưng, phải đến lần thứ 2, người vi phạm mới thổi đúng, để máy đo kết quả. Với mức đo được là 0,269mg/lít khí thở, anh Hưng đã vi phạm ở mức độ  1, trong khung phạt từ 500-1.000.000đ. Thấy kết quả ở ngấp nghé mức vi phạm và không vi phạm, anh Hưng đã yêu cầu CSGT cho thổi lại. Thế nhưng, lần thổi thứ 3, kết quả cũng không có gì khác. Lúc này,  người vi phạm mới chịu “tâm phục, khẩu phục”, đồng ý ký biên bản.

Xử lý nghiêm để tạo thói quen: đã uống rượu, bia thì không lái xe 

Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu, bia rất lớn. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện, sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức cao.

Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Hữu Huấn, Đội phó Đội CSGT số 4 cho biết, so với thời điểm này năm ngoái, thì năm nay số người  vi phạm có thể nói là không nhiều. Điều này cũng cho thấy, ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, không vì thế mà lực lượng CSGT sẽ chủ quan. Thời gian tới, Đội CSGT số 4 sẽ liên tục đổi vị trí kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, để xử lý cho có hiệu quả, nhất là với những người uống rượu, bia mà vẫn lái xe, rồi cố ý  “né trạm”.  Tính đến chiều 16-12, thống kê từ Phòng CSGT,  đã có hơn 30 trường hợp uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bị lập biên bản.

Để kế hoạch ra quân có hiệu quả thực sự,  hạn chế TNGT, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ nay đến hết dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi, CSGT ở các đội sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia.

Cụ thể, Phòng CSGT sẽ tiến hành kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn quản lý của tất cả các Đội CSGT số 1/12, 14. Đợt 1 từ ngày 16/12/2014 đến hết ngày 31/12/2014; Đợt 2 từ ngày 15/1/2015 đến hết ngày 31/1/2015; Đợt 3 từ ngày 15/2/2015 đến hết ngày 28/2/2015. Đồng thời, các tổ công tác 141 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng tăng cường phát hiện, kiểm tra các hành vi vi phạm về các quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho hay, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban ATGT quốc gia, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đã tăng cường và huy động lực lượng, thiết bị kỹ thuật cho các địa phương. Nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm như: QL1, 3, 5, 18, 51... sẽ là trọng điểm tuần tra xử lý trong đợt này. Theo ông Dánh, với địa bàn nông thôn, CSGT cấp huyện sẽ được cấp máy đo nồng độ cồn (dạng ngậm thổi) và sẽ tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm, nhằm hạn chế tối đa các vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia, nơi mà người dân sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đặng Nhật
.
.
.