Thanh tra các dự án “BOT” nạo vét đường thủy: Kiểm tra đâu, sai phạm đó

Thứ Năm, 09/11/2017, 08:35
Mới đây, Bộ GTVT đã có kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách Nhà nước. Điều đáng chú ý, kết luận đã chỉ ra tồn tại trực tiếp liên quan đến Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.


Theo thống kê, trong tổng số 66 dự án nạo vét duy tu luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách Nhà nước (tính đến ngày 20-3-2017), có 1 dự án hoàn thành bàn giao; 22 dự án chấm dứt; 3 dự án chưa ký hợp đồng; 3 dự án chưa triển khai thi công; 16 dự án hết hạn hợp đồng, 6 dự án đang tạm dừng thi công và 15 dự án đang triển khai thi công.

Đến tháng 4-2017, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã có văn bản yêu cầu 15 nhà đầu tư đang triển khai thi công thực hiện tạm dừng, di dời thiết bị, phương tiện ra khỏi phạm vi công trường.

Công tác nạo vét luồng đường thuỷ nội địa còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục.

Cùng thời điểm này Bộ GTVT đã có quyết định thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách Nhà nước. Đến  tháng 10-2017, kết luận thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt tồn tại xung quanh hoạt động của các dự án nói trên.

Đoàn thanh tra cho biết, có 8 dự án đã được 7 công ty triển khai thực hiện, tuy nhiên cho đến khi kiểm tra toàn bộ các dự án chưa hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao. Việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét tại địa phương khó khăn và kéo dài trong khi công tác nạo vét duy tu đường thuỷ nội địa thực hiện theo mùa dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án.

Việc giám sát của tư vấn giám sát còn hạn chế; nhân lực giám sát của cơ quan quản lý dự án và lực lượng công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam còn mỏng, địa bàn rộng, khó khăn về kinh phí, trang thiết bị nên gặp khó khăn trong kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thực hiện dự án, còn có một số nhà đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện dẫn đến phải chấm dứt, thu hồi dự án.

Cụ thể, liên quan đến vấn đề đăng ký thực hiện dự án, thanh tra Bộ chỉ rõ: Hồ sơ đề xuất được Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam chấp thuận nhưng chưa thực hiện công tác thẩm định hồ sơ đề xuất và chưa thực hiện công tác thẩm tra hồ sơ đề xuất của đơn vị tư vấn thẩm tra độc lập (các dự án của Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh, Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng TT, Công ty cổ phần Cát Đại Lợi).

Đối với dự án do Công ty cổ phần Kiến trúc và Xây dựng TT thực hiện, biện pháp thi công tại hồ sơ đề xuất dự án được duyệt không phù hợp với biện pháp thi công thực tế hiện nay (Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã chấp thuận cho nhà đầu tư sử dụng phương tiện thi công gồm tàu cuốc để thi công nạo vét, đổ lên tàu chở hàng, vận chuyển đến vị trí tập kết và phun lên bãi).

Cũng với công ty này, đoàn thanh tra phát hiện đơn vị thực hiện dự án không thể hiện việc tách khối lượng giữa các lớp địa chất để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án xử lý đối với khối lượng nạo vét tận thu được và khối lượng nạo vét không tận thu được.

Chưa dừng lại, không có cơ sở áp dụng đơn giá tận thu vật liệu nạo vét để san lấp (không có thông báo giá của cơ quan có thẩm quyền): Đối với bùn lẫn cát có đơn giá 58.000 đồng/m3 và đối với cát hạt trung là 72.000đồng/m3.

Đáng chú ý hơn cả, đối với việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký tận thu sản phẩm, nhiều công ty không xuất trình được kế hoạch phòng chống, ứng phó sự cố trong quá trình thi công; chưa lập, phê duyệt, gửi niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án. Về vấn đề đăng ký tận thu sản phẩm, Công ty cổ phần Kiến trúc và Xây dựng TT không kèm theo hồ sơ tính toán việc tách các khối lượng nạo vét, thu hồi và xác định giá trị hợp đồng.

Về vấn đề ký kết và thực hiện hợp đồng, Dự án do Công ty TNHH My Hương thực hiện đến thời điểm ngày 31-12-2016, nhà đầu tư đã thi công hoàn thành tại các Đoạn 1 và Đoạn 4, đối với Đoạn 2 và Đoạn 3 chưa thi công hoàn thành đạt chuẩn tắc luồng theo quy định của hợp đồng.

Với Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn thực hiện, nhà đầu tư báo cáo tạm dừng thi công từ ngày 24-12-2016 bằng văn bản gửi Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, tuy nhiên chưa có kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, lý do xin tạm dừng thi công của nhà đầu tư và chưa có văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư được tạm dừng thi công dự án.

Trong khi đó, thời hạn hợp đồng lại được thực hiện kết thúc trước ngày 31-12-2018 (không đúng quy định tại Khoản 4 đièu 18 Thông tư số 69/2015 của Bộ GTVT.) Dự án do Công  ty Cổ phần Cát Đại Lợi thực hiện khối lượng thi công đến thời điểm thanh tra đạt 74.180m3 so với 697.633m3 được duyệt (khoảng 11%) là rất hạn chế. Về trang thiết bị, phương tiện phục vụ thực hiện dự án, trong quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra cũng chỉ ra tồn tại tại 7 công ty.

Vì những tồn tại trên,  Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra tồn tại trong thực hiện quản lý, giám sát, thực hiện các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm. Yêu cầu các nhà đầu tư đã tạm dừng, chấm dứt thực hiện hợp đồng đưa phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực công trường.

Nhóm PV
.
.
.