Đưa xe số tự động vào đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe:

Không kiểm soát chặt sẽ gây mất an toàn giao thông

Thứ Hai, 18/05/2015, 09:38
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu các quy định cả trong nước và quốc tế để đề xuất việc đào tạo sát hạch theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với thực tiễn, trong đó, dự kiến sẽ cấp giấy phép lái xe (GPLX) số tự động. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này, vẫn còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân tích, về nội dung, chương trình và giáo trình đào tạo của Việt Nam, hiện nay đã quy định người học phải tập lái trên ôtô số sàn và tập lái trên đường, với xe ôtô có hộp số tự động là 10 giờ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thời điểm này chưa nên đưa xe số tự động vào đào tạo, sát hạch.

Trước đó, năm 2010, trong khuôn khổ Dự án An toàn giao thông đường bộ Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, tổ chức tư vấn quốc tế đã tổ chức khảo sát và đánh giá chương trình, nội dung, giáo trình đào tạo lái xe của Việt Nam là phù hợp và tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc.  Liên quan đến hệ thống GPLX, ông Quyền cũng cho rằng, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, GPLX xe hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.

Như vậy, nếu cấp GPLX hạng B1 cho người điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi thì sẽ không được phép lái các loại xe tải và máy kéo vì các loại xe này không sử dụng hộp số tự động. Chưa dừng lại ở đây, hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đều quy định chung 1 hạng GPLX đến 9 chỗ ngồi, nếu ta cho phép điều khiển cả xe ôtô có hộp số tự động và số sàn như vậy, người được cấp GPLX ôtô sử dụng hộp số tự động sẽ không được đổi sang GPLX ở các nước này.

Ngoài ra, khi tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ôtô riêng cho người không hành nghề lái xe điều kiện ôtô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch cũng phải đầu tư ôtô tập lái, sát hạch lái xe trong hình và trên đường để phục vụ việc đào tạo, sát hạch lái xe, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng (mỗi cơ sở đào tạo đầu tư tối thiểu 10 xe, trung tâm sát hạch đầu tư tối thiểu 4 xe để đáp ứng nhu cầu học và sát hạch.)

Trong khi đó, thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe, năm 2013 các trung tâm sát hạch đã đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị sát hạch lý thuyết trong hình, trên đường… và trong năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các trung tâm sát hạch đang chuẩn bị nguồn kinh phí lớn để đầu tư ôtô sát hạch và lắp thiết bị chấm điểm tự động lái xe ôtô trên đường, thiết bị sát hạch lái xe trong hình hạng A1, A2. Nếu tiếp tục đầu tư ôtô sử dụng hộp số tự động trong khi lượng người dự sát hạch không cao (nhiều trung tâm sát hạch sử dụng chưa hết 50% công suất) sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề trật tự an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ ra rõ, việc cho phép sử dụng ôtô hộp số tự động để học và sát hạch lái xe sẽ đơn giản và dễ hơn ôtô sử dụng hộp số sàn, nếu không kiểm soát  chặt chẽ trong quá trình sử dụng, nhiều người sẽ lựa chọn loại xe này.

Thực tế, xe ôtô đến 9 chỗ ngồi sử dụng hộp số sàn và hộp số tự động có hình dáng bên ngoài không khác nhau, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của một số người dân chưa cao, nên dễ dẫn đến tình trạng người được cấp GPLX số tự động mà điều khiển xe ôtô số sàn và đây sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông rất cao.

Đặng Nhật
.
.
.