Hàng trăm tàu thuyền mắc cạn trên sông Hồng:

Không để tình trạng "chặt chém", bắt ép chủ tàu nộp tiền kéo cạn

Thứ Sáu, 05/12/2014, 11:02
Những con tàu chở hàng có tải trọng từ 300 đến 1.000 tấn đang nằm "chết" trên sông Hồng chờ thủy triều để di chuyển, gây thiệt hại nặng nề cho chủ tàu trong hơn 1 tuần nay. Những năm trước, lợi dụng sự khan cạn của sông Hồng, một số đối tượng đã bắt chẹt chủ phương tiện, yêu cầu nộp hàng triệu đồng mới lai dắt kéo tàu ra khỏi khu vực mắc cạn. Trước nỗi lo của hàng trăm chủ tàu đang hoạt động trên sông Hồng vào mùa nước cạn năm nay, Hà Nội đã có những phương án gì để đảm bảo ANTT và TTATGT đường thủy nội địa trên toàn tuyến sông?

Thiệt hại nặng do tàu thuyền mắc cạn

Có mặt tại sông Hồng thuộc địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội sáng 3/12, hình ảnh chúng tôi ghi lại được là gần 40 chiếc tàu chở cát có tải trọng từ 300 đến 1.000 tấn đang neo đậu gần bờ vì nước sông Hồng đang ở đỉnh thấp nhất. Giữa dòng sông, một bãi cạn chạy dài do phù sa bồi đắp đã chia con sông làm hai nửa khiến cho bất cứ tàu chở hàng nào từ Phú Thọ về đến đây cũng đành phải tấp vào bờ do nước sông quá cạn, nếu tiếp tục chạy thì sa vào bãi cát cuốn dẫn tới chìm tàu.

Theo quan sát của chúng tôi, bên những chiếc tàu nằm im thì có chiếc đang phải nổ máy để tránh bị nước cuốn đi xa. Lái tàu VP-1254 Nguyễn Văn Hiên cho biết, tàu của anh đã neo đậu ở đây được 5 ngày. Khởi hành từ Vĩnh Phúc, kết thúc hành trình tại tỉnh Bắc Giang, thông thường, nếu nước không cạn thì chỉ trong vòng 1 tuần, tàu của anh sẽ kết thúc một hành trình. Thế nhưng, với diễn biến như hiện nay, thời gian có thể tăng lên từ 2-3 tuần, kéo theo nó là chi phí ăn ở và trả tiền bãi neo đậu khá tốn kém. Anh Hiên nhăn nhó: "Bình thường, mỗi chuyến tàu chở cát, trừ chi phí còn được lãi 4 triệu đồng, nhưng tình hình thế này thì chỉ hòa vốn".

Cùng cảnh ngộ như anh Hiên, lái tàu VP-1137 Lưu Văn Dương cũng đã phải neo đậu tàu tại đây 5 ngày chờ thủy triều lên và chưa biết khi nào mới có thể tiếp tục hành trình về đến Hải Phòng. Nhiều chủ tàu neo đậu ở đây cho biết, họ rất hạn chế lai dắt vì tốn kém mà xuôi xuống khu vực Chèm sẽ tiếp tục mắc cạn nên đành nằm chờ thủy triều.

CSGT đường thủy đang hướng dẫn chủ tàu mắc cạn tại xã Trung Châu đảm bảo ATGT khi neo đậu.

Sáng 4/12, xuôi theo sông Hồng tới khu vực cầu Nhật Tân, chúng tôi gặp tàu chở cát mang số hiệu HP- 2736 do anh Phạm Văn Trưởng, quê ở Hải Phòng làm thuyền trưởng bị mắc cạn nằm ở đây từ chiều 3/12 và vừa được phương tiện của Công ty cổ phần Việt Xuân Mới cứu hộ. Bế đứa con nhỏ trên tay, anh Trưởng cho biết, tàu của anh xuất phát từ Phú Thọ ngày 2/12 và trên đường về đến đây đã bị mắc cạn 4 lần. "Sáng nay tàu đang nằm ở đây thì có tàu của bên Công ty Việt Xuân Mới tới cứu hộ miễn phí, chúng tôi rất mừng vì với tình hình này thì ngày mai tàu sẽ về tới Hải Phòng" – anh Trưởng cho biết. Phương tiện lai dắt cho tàu của anh Trưởng là một trong 6 con tàu có tải trọng lớn của Công ty cổ phần Việt Xuân Mới đang làm nhiệm vụ khảo sát, khai thác nạo vét trên sông Hồng. Theo ông Nguyễn Văn Cương, Phó Giám đốc công ty thì tất cả các phương tiện mắc cạn trên sông Hồng ở khu vực cầu Nhật Tân đều được công ty lai dắt, cứu hộ miễn phí nên các chủ tàu rất yên tâm và phấn khởi. Cách đây 2 ngày, ở khu vực Chèm xuất hiện hiện tượng yêu cầu chủ phương tiện mắc cạn phải cho họ lai dắt, nhưng từ khi tàu của công ty hoạt động ở đây thì tàu này không xuất hiện nữa.

Nhiều tàu, thuyền chở cát mắc cạn trên sông Hồng.

Không còn hiện tượng bắt chẹt khi kéo cạn

Theo thuyền trưởng tàu HP-2736 thì năm nào vào mùa khan cạn, những người làm nghề sông nước như các anh cũng lo lắng về tình trạng bị cưỡng ép, bắt chẹt với số tiền lớn để được cứu cạn. "Tôi rất mừng khi từ đầu mùa cạn đến nay không gặp phải hiện tượng này, thậm chí còn được cứu cạn miễn phí, phục vụ chuyên nghiệp" – anh Phạm Văn Trưởng cho biết. Theo quy luật, từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm là giai đoạn nước sông Hồng xuống thấp do thượng nguồn không mưa, đập thủy điện sông Đà không xả lũ. Phương tiện thủy khi tham gia giao thông về khu vực Đan Phượng, Phúc Thọ gặp khan cạn phải neo đậu, chờ nước lên cao mới tiếp tục được hành trình. Mỗi ngày trên tuyến sông này có hơn 100 tàu chở hàng qua lại, gặp khan cạn làm bó hẹp dòng chảy khiến tàu thuyền không thể di chuyển được, buộc phải neo đậu một chỗ để đợi con nước lên cao. Nặng nề nhất là tại khu vực ghềnh Bá Giang, huyện Phúc Thọ, phương tiện mắc cạn ách tắc, va chạm và chìm xuống cát nếu không trục vớt nhanh. Lợi dụng vào đặc điểm này, những năm trước, một số công ty hoạt động kéo cạn xảy ra tình trạng độc quyền bắt chẹt giá mà chủ tàu không dám tố cáo. Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Hà Nội cho biết, từ khi Phòng CSGT đường thủy được thành lập, đơn vị đã điều tra cơ bản, xác định đối tượng đấu tranh, yêu cầu chủ doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cứu hộ trên sông phải làm theo đúng quy định, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý. Vì thế mà tình trạng độc quyền, chặt chém giá kéo cạn tàu đã bị ngăn chặn kịp thời. Thượng tá Nguyễn Văn Cương khẳng định: "Hiện nay không còn tình trạng bắt chẹt, cưỡng đoạt, khống chế chủ tàu để cứu cạn".

Tàu HP-2736 đang được tàu cứu hộ của Công ty cổ phần Việt Xuân Mới lai dắt .

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương thì Hà Nội hiện có 2 công ty được cấp phép cứu hộ cứu nạn trên sông Hồng là Công ty TNHH Vân Phúc, Công ty TNHH cứu hộ kéo cạn Hồng Hà và một đơn vị có 6 tàu đang khảo sát và cứu cạn miễn phí trên sông Hồng là Công ty cổ phần Việt Xuân Mới. Các phương tiện khi gặp sự cố trên sông hãy gọi cho 3 công ty này đến cứu nạn. Tuy nhiên, để đảm bảo ANTT và TTATGT đường thủy và tránh bị bắt chẹt chủ tàu về giá, khi trục vớt, lai dắt phương tiện bị chìm đắm, tai nạn, các công ty này phải xuất trình giấy tờ và phương án trục vớt cho Phòng CSGT đường thủy và Chi cục Quản lý đường sông để giám sát việc doanh nghiệp chấp hành theo đúng quy định.

Nguyễn Hương -Trần Hằng
.
.
.