Khó quản lý xe bỏ bến, “chạy dù”

Thứ Tư, 17/04/2019, 09:09
Chỉ trong vòng 1 tháng, nhiều nhà xe đăng ký “nốt” hoạt động nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định, thậm chí có tới vài trăm nhà xe cả tháng không chạy chuyến nào. Công ty Quản lý bến xe Hà Nội và bến xe Nước ngầm đã lập danh sách các nhà xe này gửi tới Sở GTVT Hà Nội. Dư luận đặt câu hỏi, liệu nhà xe có “bỏ bến” ra “chạy dù”?

Theo báo cáo mới nhất (tháng 4-2019) được Công ty Quản lý bến xe Hà Nội gửi tới Sở GTVT Hà Nội  cho thấy, trong vòng 2 tháng cao điểm (tháng 12-2018 và 1-2019) tại bến xe Giáp Bát, có 66 đơn vị đăng  ký vận tải có số lượt chuyến hoạt động dưới 70% quy định. 

Đáng chú ý, trong số này có tới 27 đơn vị vận tải “vắng mặt” hoàn toàn như Công ty cổ phần Khánh Tám đăng ký hoạt động hai đầu bến Giáp Bát - Mỹ Lộc, Giáp Bát -Nam Trực; Công ty TNHH Hải Thắng tuyến Giáp Bát-TP Ninh Bình; HTX Vận tải ôtô TP Ninh Bình đăng ký 2 lốt xe đều chạy vào khung giờ “vàng” 13h05 và 15h35  tuyến Giáp Bát-Kim Sơn-Lai Thành; Công ty THNN Minh Dũng đăng ký  chạy tuyến Giáp Bát-Kim Sơn với 4 khung giờ/ngày... 

Những doanh nghiệp còn lại như HTX Dịch vụ du lịch Sài Gòn, Công ty TNHH Đại Phát; Công ty Vận tải hành khách Cao Nguyên; Công ty TNHH Thuỳ Dương; Công ty CP Du lịch thường mại và đầu tư Thiên Trường... nếu có chạy cũng mới chỉ đáp ứng từ 20% cho đến cao nhất là 60% số lượt chuyến theo quy định.

 Tình trạng nhà xe “bỏ bến” còn diễn ra “căng thẳng” hơn ở bến xe Nước ngầm. Thống kê cho thấy, cũng với thời gian như trên, tại bến xe Nước ngầm có tới 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động. Trên thực tế từ lâu Hà Nội đã ngừng cấp “lốt” xe hoạt động vào một số bến trên địa bàn với lý do quá tải. 

Cũng bởi lý do này mà có đơn vị vận tải muốn xin phép hoạt động cũng không dễ gì. Vậy lý do nào khiến hàng trăm xe đăng ký rồi bỏ bến, không hoạt động? Liệu đây có phải hình thức đăng ký hoạt động  “xí chỗ” rồi ra ngoài “ bắt khách, chạy dù”?

Hà Nội có hàng trăm nhà xe tự ý bỏ bến.

Ngày 16-4, trao đổi với phóng viên về lý do nhà xe bỏ bến, ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, nếu theo đúng quy định thì các nhà xe này ngừng hoạt động lâu phải có thông báo về bến, tuy nhiên, nhiều nhà xe đã không thực hiện đúng. 

Còn chuyện nhà xe bỏ bến liệu có ra ngoài “chạy dù” hay không thì không thể khẳng định được vì Công ty Quản lý bến xe chỉ quản được các xe hoạt động trong bến, ở ngoài bến lại thuộc thẩm quyền xử lý của các đơn vị khác. Vị này cũng thẳng thắn, chuyện xe bỏ bến không ảnh hưởng đến việc phục vụ hành khách, vì hằng ngày, xe nào vào thì bến mới cấp phôi, sau đó mới bán vé cho khách.

Về phía bến xe Nước ngầm, ông Nguyễn Quang Lập - Giám đốc chia sẻ: Có nhiều lý do nhà xe bỏ bến, có thể do khả năng cạnh tranh, có người thay đổi phương án kinh doanh không chạy tuyến mà sang chạy hợp đồng, có thể do xe hỏng... Tuy nhiên, vì lý do gì thì việc không thông báo cho bến là không thể chấp nhận. Bởi xe không vào bến như đăng ký, nhất là ngày lễ - Tết, lượng khách đông, dễ dẫn đến tình trạng bến ùn ứ, khách bị động. 

Khi được hỏi liệu các xe không vào bến có thể “chạy dù” không? Giám đốc bến xe Nước ngầm trả lời: “Khó tránh tình trạng bỏ bến xe để “chạy dù” vì các đơn vị kinh doanh sắm xe là để hoạt động, chứ ai lại để xe không”. Vị này cũng thông tin thêm, tình trạng này diễn ra lâu rồi, chứ không phải mới. “Cứ một tháng xe không hoạt động, thì nên cắt lốt, để tạo cơ hội cho các đơn vị kinh doanh khác”, ông Lập đề xuất. 

Đứng về góc độ của nhà quản lý, đại diện Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cũng thừa nhận:  Để biết được xe có vào bến hay không thì chỉ có thông qua hệ thống giám sát hành trình cảnh báo tự động. Thế nhưng, giờ hệ thống này chưa tích hợp, muốn kiểm tra một xe nào đó, Sở GTVT lại phải tra “thủ công”. 

Hệ thống giám sát hành trình hiện tại chỉ thông tin được về tốc độ vi phạm, thời gian làm việc của lái xe. Còn việc xe chạy sai hành trình hay không thì phải tra qua biển số. Hiện đơn vị chỉ tra cứu xe nào có thông tin vi phạm, chứ không phải tất cả. Hà Nội có gần 7.000 xe khách hoạt động, rất khó cho việc ngồi rà từng xe vào ra bến mỗi ngày. Đấy là chưa nói đến việc đường truyền có ổn định hay không...

Xe có đăng ký hoạt động, được sự chấp thuận của hai đầu bến, đã ký hợp đồng với bến xe rồi, đến khi họat động không hiệu quả, có trường hợp báo cáo ngừng, nhưng có trường hợp tự ý bỏ. Theo quy định, lần đầu nhắc nhở, nếu tái phạm thu hồi phù hiệu 1 tháng, sau đó lại cấp lại. 

Cũng với câu hỏi, liệu các xe này có ra “chạy dù”, vị này khẳng định “không thể nói hết mọi trường hợp, cũng có thể xảy ra tình huống bỏ bến ra bên ngoài chạy”. Việc giám sát bên ngoài bến là do lực lượng Thanh tra giao thông và Công an xử lý. 

“Nhưng thực ra cũng có khó khăn khi xử lý”, đại diện Phòng Vận tải chia sẻ và dẫn chứng: Xe chạy Giáp Bát nhưng lại không vào bến xe Giáp Bát đón khách mà lại bắt khách ở bên ngoài thì làm sao lực lượng xử lý bên ngoài biết được, khi xe đấy có phù hiệu chuẩn. Nếu phát hiện xe bắt khách dọc đường, thì lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý được lỗi đón trả khách không đúng nơi quy định (lỗi nhẹ hơn rất nhiều so với xe “chạy dù”).

Như vậy, có thể thấy rõ đã có “lỗ hổng” quản lý trong hoạt động vận tải khách. Trách nhiệm “vá” lỗ hổng để ngăn tình trạng “xe dù” sẽ thuộc về ai? Liệu lực lượng chức năng, nhất là đơn vị quản lý cấp phép hai đầu bến cho các xe nói trên hoạt động có “bơ” trách nhiệm hậu kiểm. Điều này rất cần được làm rõ.

Phạm Huyền
.
.
.