Khi những quy định trong thông tư không mang tính bắt buộc

Thứ Tư, 10/12/2014, 08:44
Từ ngày 1/12, Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã chính thức có hiệu lực. Mục đích của thông tư này là bắt buộc phải luôn duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của phương tiện xe cơ giới giữa hai kỳ kiểm định, hướng tới đảm bảo sự an toàn trong giao thông cho cho tất cả mọi người. Thế nhưng, liệu mục đích này có đạt được hiệu quả tối ưu khi mà nội dung thông tư không yêu cầu chủ xe, lái xe phải xuất trình sổ bảo dưỡng hay bất kỳ loại giấy tờ có giá trị nào chứng minh việc đã thực hiện việc bảo dưỡng giữa các chu kỳ đăng kiểm tại bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào liên quan đến quản lí xe cơ giới.

Biện pháp mạnh tay ngăn tai nạn…

Đối với hoạt động bảo dưỡng định kỳ, Thông tư 53 quy định các phương tiện có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất; các phương tiện không có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe theo nội dung được xây dựng bởi các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng. Cụ thể, các loại ôtô con (chở người dưới 10 chỗ ngồi) phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ sau mỗi quãng đường vận hành 5.000 - 10.000km hoặc sau thời gian 6 tháng sử dụng tùy điều kiện nào đến trước. Tương ứng, các loại ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe tải, xe chuyên dụng, xe sơ-mi rơ-mooc phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ sau 4.000 - 8.000km vận hành hoặc thời hạn 3-6 tháng.

Đáng chú ý, nhằm tránh trường hợp chủ phương tiện “trốn” bảo dưỡng, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rõ các “xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản bàn giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 2 tháng hoặc 1.500km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng”. Đồng thời, Bộ cũng quy định các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải có đủ trình độ, năng lực và trang thiết bị cần thiết để đảm bảo công tác sửa chữa, bảo dưỡng; hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.

Cũng theo Thông tư 53, ngoài quy định về bảo dưỡng định kỳ thì các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng phải thực hiện các quy trình về sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên. Cụ thể, công tác bảo dưỡng thường xuyên phải được thực hiện hằng ngày hoặc trước, sau mỗi chuyến đi; phải được chủ xe hoặc lái xe thực hiện để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe trước khi xuất phát. Đây có thể xem là một biện pháp mạnh tay của ngành giao thông vận tải nhằm đảm bảo tình trạng chất lượng và khả năng vận hành của các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là trước thực trạng đáng lo ngại của tai nạn giao thông có nguyên nhân từ chất lượng và đặc tính kỹ thuật của phương tiện.
Thông tư 53/2014/TT-BGTVT mang tính “vận động” hơn là quy định bắt buộc!

Nhưng chỉ mang tính chất khuyến khích, liệu có hiệu quả?

Tuy nhiên, nếu xét ở một góc độ khách quan thì nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 53/2014/TT-BGTVT mang tính “vận động” hơn là quy định bắt buộc, bởi nội dung thông tư không yêu cầu chủ xe, lái xe phải xuất trình sổ bảo dưỡng hay bất kỳ loại giấy tờ có giá trị nào chứng minh việc đã thực hiện việc bảo dưỡng giữa các chu kỳ đăng kiểm tại bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào liên quan đến quản lí xe cơ giới như Cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm hay các cơ quan chức năng có liên quan nào khác.

Đáng nói, mặc dù Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12 nhưng lại không có điều khoản cũng như chế tài xử lý vi phạm. Phải chăng thông tư ra đời chỉ để cho vui? Thực tế, cho đến thời điểm này, tại các trạm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội hiện chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn yêu cầu phải kiểm tra giấy chứng nhận bảo dưỡng đối với các loại xe cơ giới tới thực hiện đăng kiểm. Ngoài ra, những cơ sở nào đủ điều kiện tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, các kỹ thuật viên nào đủ trình độ… cũng không có quy định nào cụ thể.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ - Bộ GTVT phân trần: Ý định ban đầu khi xây dựng thông tư cũng quy định điều kiện thi hành như đưa vào sổ bảo hành làm cơ sở để đăng kiểm nhưng nhiều ý kiến phản đối, cho rằng thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định việc duy trì an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm là do chủ phương tiện tự quyết định. Vì vậy, Thông tư 53 không đưa ra các chế tài để phạt. “Thông tư 53 chỉ có tính chất khuyến khích các chủ phương tiện cũng như doanh nghiệp quan tâm đến việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ phương tiện. Đặc biệt, các phương tiện không còn hồ sơ, giấy tờ hướng dẫn quy trình bảo dưỡng xe thì có thể căn cứ vào Thông tư 53 này”, ông Trần Quang Hà cho biết.

Thiết nghĩ, về mục đích sâu xa của Thông tư 53/2014/TT-BGTVT thì đã rõ ràng, nhưng với một văn bản pháp quy ra đời là sự tập trung của rất nhiều công sức và sự sáng tạo của các nhà quản lí, tuy nhiên để những nỗ lực đó mang lại hiệu quả trong đời sống thực tế, rõ ràng không thể chung chung, nửa vời mà cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa để người dân, những người đang sở hữu xe, lái xe thực hiện tốt việc nâng cao an toàn giao thông.

Đặng Nhật
.
.
.