Xe khách liên tỉnh tại TP Hồ Chí Minh được hoạt động từ 30-50% số chuyến

Thứ Năm, 23/04/2020, 17:15
Theo công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh ngày 18/4 về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố do dịch bệnh COVID-19, thành phố cho phép nghỉ học đến hết ngày 3/5/2020.

Như vậy, không có gì thay đổi thì ngày 4/5 học sinh, học viên các cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu đến trường. Nhiều trường cao đẳng, đại học tại TP Hồ Chí Minh cũng có thông báo thời gian bắt đầu học sau ngày 3/5 tới.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, học sinh, học viên nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm việc, không có người trông coi nên nhiều người đã đưa con về quê cho ông bà, người thân trông coi; nhiều sinh viên cũng vẫn đang ở quê tránh dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, tối 22/4, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh có thông báo hoả tốc toàn bộ hoạt động xe buýt, xe khách, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch tiếp tục tạm ngưng hoạt động trên địa bàn thành phố kể từ 00 giờ ngày 23/4 đến khi có thông báo mới. Sở Giao thông Vận tải cũng gửi văn bản đề nghị các bến xe khách liên tỉnh thông tin đến các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định và thông tin cho người dân biết để có kế hoạch đi lại phù hợp vào thời gian trên.

Nhiều người chưa biết đến TP Hồ Chí Minh bằng phương tiện gì 

Có nghĩa là các phương tiện vận chuyển hành khách từ các tỉnh, thành khác khác không được đến TP Hồ Chí Minh trong thời gian này. Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, xe hỗ trợ vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết tại các bệnh viện.

Vậy, những học sinh, sinh viên ở quê quay về TP Hồ Chí Minh bằng phương tiện gì? Đây là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh và sinh viên. Vì nhiều người từ các tỉnh xa như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,… hay các tỉnh miền Trung, không thể chạy xe máy mấy trăm cây số đến TP Hồ Chí Minh, vừa xa vừa nguy hiểm.

Không những vậy, TP Hồ Chí Minh cũng thể hiện sự lúng túng trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các quy định sau khi hết cách ly xã hội.

Cụ thể, buổi chiều 22/4, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo tiếp tục ngưng hoạt động từ ngày 23/4 đến ngày 3/5 đối với hoạt động vận tải liên tỉnh, xe buýt, xe hợp đồng (trừ xe dưới 9 chỗ), xe du lịch (trừ xe dưới 9 chỗ). Đối với xe hợp đồng (dưới 9 chỗ), xe du lịch (dưới 9 chỗ) được phép hoạt động kể từ ngày 23/4 trên địa bàn TPHCM nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về y tế được đặt ra. Đến tối cùng ngày thì Sở Giao thông vận tải lại có văn bản hoả tốc thay đổi chưa cho các xe hoạt động trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, thành phố cũng không chuẩn bị văn bản hướng cụ thể sau khi hết cách ly, từ ngày 23/4 các cơ sở nào được phép mở cửa kinh doanh buôn bán.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh chiều 22/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm chỉ đạo tất cả các hoạt động kinh doanh vận tải có điều kiện đều chưa được hoạt động cho đến khi Sở Giao thông vận tải ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19. Các ngành nghề kinh doanh khác cũng chỉ được hoạt động khi có Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm do cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực hoạt động đó ban hành. Có nghĩa à phải đợi khi nào có Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro mới được hoạt động.

Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, thành phố sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất để các cơ sở hoạt động trở lại, nhưng đến chiều 23/4 vẫn chưa có thông báo. Chính vì vậy, ngay từ sáng 23/4, nhiều cơ sở không biết có thuộc diện được mở cửa hay không, có nhiều người đánh liều mở cửa bán hàng.

Về hoạt động của các chốt kiểm dịch ra vào cửa ngõ thành phố, từ 15 giờ ngày 23/4, các chốt kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phồ ngừng hoạt động.

Trước đó, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/4, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Trong đó, 16 chốt, trạm chính (cấp thành phố) và 46 chốt, trạm phụ (cấp quận huyện). Các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 hoạt động 24/24 giờ.

Trong thời gian triển khai các chốt kiểm dịch từ ngày 5/4 đến hết ngày 22/4, các chốt trạm kiểm tra 266.266 phương tiện, trong đó 234.489 ô tô và 31.777 mô tô. Đo thân nhiệt 592.083 người, yêu cầu khai báo y tế 132.424 người.

Việc lập các chốt, trạm kiểm soát y tế đối với những người vào thành phố đã góp phần rất lớn trong thành công của phòng chống dịch COVID-19.

Người dân và học sinh, sinh viên mong muốn TP Hồ Chí minh sớm có hướng dẫn cụ thể để chủ động sắp xếp thời gian quay về TP Hồ Chí Minh cho ngày đến trường học tập cũng như bắt đầu kinh doanh buôn bán.


Nhân Sơn
.
.
.