Chưa nói được tính khả thi quanh đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 04/08/2019, 06:27
Đó là khẳng định của ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp giao ban báo chí Trung ương do Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 31-7 vừa qua.



Bên lề buổi tiếp xúc cử tri quận 4 sáng 2-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, việc lắp đặt 34 trạm thu phí ôtô vào trung tâm thành phố chỉ mới là... đề xuất của Sở GTVT. Như Báo CAND từng  thông tin, đây là đề xuất được nhiều người dân thành phố quan tâm. Tuy nhiên, đã gần chục năm, tính từ lúc thành phố cho phép một doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để khảo sát, nghiên cứu cho đến nay, nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ, còn nhiều ý kiến trái chiều...

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, dự án này mới chỉ ở bước đề xuất, cụ thể là tại Văn bản số 4772/SGTVT-KT của Sở GTVT thành phố. “Văn bản này được ban hành sau một cuộc họp của Hội đồng tư vấn giao thông đô thị thành phố. Kết thúc cuộc họp này, có 13/19 thành viên trong hội đồng thống nhất ủng hộ chủ trương và cần sớm triển khai thực hiện đề án Thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế giao thông”, ông Lâm nói thêm.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng do quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ với quy hoạch phát triển khác.

Các thành viên của Hội đồng tư vấn cũng đề xuất không thực hiện bằng hình thức PPP (đối tác công tư) mà triển khai thực hiện đề án theo hình thức đầu tư công, giao một đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư triển khai thực hiện theo quy định và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố.

“Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo công nghệ RFID khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc giao thông (các thiết bị thu phí tự động và hệ thống giám sát được gắn trên các giá long môn, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường khi đi qua vị trí thu phí); một hệ thống xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống. Tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Hiện UBND thành phố đã giao cho Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét báo cáo UBND thành phố”, ông Lâm thông tin thêm. 

Nếu đề xuất xin chủ trương nghiên cứu này được chấp thuận, Sở GTVT sẽ thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công theo Luật đầu tư công (thông qua Hội đồng thẩm định của thành phố và trình HĐND thành phố xem xét). Nếu được thông qua chủ trương đầu tư công, đơn vị được giao làm chủ đầu tư sẽ đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất này, lãnh đạo Sở GTVT cho biết kết quả nghiên cứu phải tập trụng làm rõ các vấn đề như: phạm vi; mức thu; thời gian thu; công nghệ; các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng; phương tiện thay thế trong vùng thu phí; các loại hình vận tải khi kết nối từ vành đai thu phí vào trung tâm; các chính sách hỗ trợ khác để giảm ùn tắc ở khu vực vành đai và tính toán định lượng sẽ giảm được bao nhiêu ôtô vào trung tâm khi thu phí thông qua mô hình mô phỏng giao thông...; đồng thời đưa ra lộ trình triển khai thực hiện dự án cho phù hợp cùng với các giải pháp hỗ trợ khác.

Tiếp đó, Sở GTVT tiến hành lấy ý kiến các sở, ban ngành của thành phố và báo cáo UBND thành phố, HĐND thành phố xem xét, quyết định.

Theo lãnh đạo Sở GTVT thành phố, song song với việc nghiên cứu đề án thu phí ôtô vào trung tâm, các giải pháp khác trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT giai đoạn 2016-2020 cũng đang được thành phố triển khai thực hiện, như: Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; Phát triển đồng bộ kết nối hạ tầng giao thông (xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui, khép kín đường Vành đai 2, metro, các bãi đỗ xe ngầm);

Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, quản lý nhu cầu giao thông cá nhân (phát triển hoạt động xe buýt, đầu tư bến bãi, BRT, triển khai thực hiện các giải pháp trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố); Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thông tin thêm về thực tế liên quan đến việc Sở GTVT có văn bản đề xuất xin chủ trương thực hiện nghiên cứu lập đầu tư dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, lãnh đạo Sở GTVT thành phố cho biết, từ năm 2010, UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ Tiên Phong tự bỏ ra toàn bộ kinh phí để khảo sát, nghiên cứu đề án theo hình thức PPP.

Đến tháng 3-2013, lãnh đạo UBND thành phố có kết luận, giao Sở GTVT phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề án, giải trình và làm rõ các ý kiến phản biện trình UBND thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xem xét. “Chúng tôi đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị phản biện lấy ý kiến xã hội. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề vướng mắc nên đề án tạm thời dừng lại từ năm 2012”, ông Lâm nói.

Cho đến khi triển khai thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT thành phố, tháng 4-2017, UBND thành phố có văn bản đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu lập đề xuất đề án nêu trên (với thời hạn 3 tháng); đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức phản biện. Đến đầu năm 2018, Ủy ban MTTQ thành phố có văn bản về việc góp ý phản biện.

Tuy nhiên, qua góp ý của các đơn vị, đề án tiếp tục phải nghiên cứu làm rõ các vấn đề mà nhiều đơn vị quan tâm, như đã kể trên.

Đến năm 2019, trước một số tình hình mới, trong đó có việc gia tăng phương tiện ôtô (hằng năm tăng trên 10% và trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng gần 16% so với cuối 2018), tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm xảy ra thường xuyên; sự quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT trong triển khai thu phí tự động không dừng theo công nghệ RFID.

Cùng với đó là Quốc hội có nghị quyết cho phép thành phố thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, kế hoạch thực hiện các công trình giao thông trọng điểm của thành phố, trung tuần tháng 6-2019, Sở GTVT đã tổng hợp và báo cáo Hội đồng tư vấn giao thông đô thị thành phố về sự cần thiết phải thực hiện đề án này.

Viện dẫn tính toán của Viện Nghiên cứu giao thông, lãnh đạo Sở GTVT thành phố cho biết so với xe buýt, ôtô chiếm mặt đường gấp 8,5 lần, xe máy chiếm gấp 5 lần. Nếu thông qua bề mặt cắt ngang chạy trên làn đường, xe máy tương đương với xe buýt - chiếm khoảng 14.000 lượt người/giờ; trong khi đó ôtô chỉ  2.000 lượt người/giờ.

Điều này cũng có nghĩa ôtô chiếm dụng mặt đường nhiều nhưng khả năng lưu thông kém nhất. "Bao giờ thành phố hết kẹt xe? Trả lời câu hỏi này là rất khó, không thể kỳ vọng vào một giải pháp đơn lẻ. Tuy nhiên khi có đề xuất này, chúng tôi mong muốn nếu 10% người dân sử dụng ôtô chuyển sang giao thông công cộng là đã thành công, giảm bớt ùn tắc rồi", ông Lâm nói.

Dù chỉ mới chỉ là đề xuất từ Sở GTVT thành phố, nhưng cạnh những ý kiến tán đồng, những ngày qua, chính quyền thành phố ghi nhận có khá nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự kiến này. Tại sao không dùng hệ thống biển báo cấm, hạn chế ôtô vào khu vực trung tâm mà lại tìm cách “đánh” vào túi tiền của người dân?; Khu vực trung tâm lân cận sẽ ùn tắc nghiêm trọng do người dân thay đổi lộ trình – không đi vào khu vực trung tâm có thu phí?

Làm thế nào để “chặn” tình trạng ôtô đi vào các hẻm, hay không đi vào giờ cao điểm để vào trung tâm mà không phải nộp phí? Khi thu phí rồi, nếu tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện thì sao?, ai chịu trách nhiệm?, Phương tiện công cộng thay thế có đáp ứng được nhu cầu của người dân khi người ta không dùng xe cá nhân vào trung tâm? Khu vực trung tâm lân cận có đáp ứng được nhu cầu đậu xe của người dân?...

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh lo ngại, doanh nghiệp vận tải hiện đã phải chịu nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm BOT “giăng kín” cả nước. Nhiều doanh nghiệp đã phải bù lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản vì giá thành hàng hóa tăng cao, không cạnh tranh. Tới đây nếu vào trung tâm thành phố, phải chịu thêm phí thì gánh nặng "phí chồng phí" càng đè lên vai doanh nghiệp. “Vì thế, thành phố cần cân nhắc kỹ đề xuất án này”, ông Quản nói.

Thái Bình
.
.
.