Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả lại - Hạ Long - Cái Lân:

Vung tay mua hàng tỷ đồng thiết bị, vật tư xong về... “đắp chiếu”!

Thứ Ba, 15/05/2018, 07:53
Ngay sau chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về việc hàng loạt vật tư đã mua sắm nhưng chưa sử dụng của Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, ngày 9-5, Ban quản lý dự án đường sắt đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về vấn đề này.

Điều đáng chú ý, từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt giữ vai trò động lực trọng điểm khu vực Bắc Bộ, hơn 7 năm, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn vô vọng. Hàng núi cấu kiện sắt thép, đường ray, tà vẹt... chất đống giữa mênh mông cỏ dại. Dự án tiếp tục ngốn thêm chi phí đáng kể chỉ để trông coi những cấu kiện bê tông, thép.

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng từ năm 2004, đi qua địa phận các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh với tổng chiều dài 128,21km.

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân tiếp tục ngốn tiền cho việc trông coi vật tư đã sắm.

Dự án được chia thành 4 tiểu dự án. Trong đó, chỉ có Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân được bố trí vốn để thi công hoàn thành; 3 tiểu dự án còn lại gồm tiểu dự án 2 đoạn Lim - Phả Lại, tiểu dự án 3 đoạn Phả Lại - Hạ Long, tiểu dự án 4 Yên Viên - Lim không được bố trí đủ vốn, phải đình hoãn giãn tiến độ từ tháng 4-2011 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Kể từ đó đến nay, tiểu dự án 1 đã hoàn thành các hạng mục đường sắt, bàn giao sử dụng từ tháng 10-2014, hiện đang kiểm toán, quyết toán các gói thầu, hạng mục đã hoàn thành trình Bộ GTVT phê duyệt.

Với tiểu dự án 2 đã bàn giao 85% mặt bằng; đang thi công dở dang các gói thầu xây lắp nền đường và cầu, hoàn thành hai gói thầu mua vật tư ray và tà vẹt; đang trông coi, bảo quản các vật tư đã mua. Với tiểu dự án 3, đã thực hiện giải phóng mặt bằng 50% nhưng mới chỉ nhận mặt bằng phạm vi thi công; đã hoàn thành 3 gói thầu ray, tà vẹt; đã thi công hoàn thành thay thế 4 cầu yếu trên tuyến và cải tạo nâng cấp một đoạn đường sắt đảm bảo khai thác. Cuối cùng là tiểu dự án 4 đã thực hiện công tác khảo sát, thiết kế nhưng chưa được phê duyệt, song hiện đang tạm dừng.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như trong số hàng nghìn tỷ đầu tư vào các tiểu dự án kia, có một phần không nhỏ đã dành cho việc mua sắm thiết bị, vật tư. Mà hiện giờ, số thiết bị vật tư này lại đang trong tình trạng “đắp chiếu” đã vài năm nay.

Cụ thể, tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân (TDA1) có giá trị hợp đồng hơn 100 tỷ. Hiện 30 thanh ray P50, 108 bô động cơ quay ghi và bộ gá, toàn bộ vật tư dự phòng, gần 2.000 thanh tà vẹt hầu hết đang được tập kết tại ga Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tiểu dự án Lim - Phả Lại (TDA2) có giá trị hợp đồng khoảng 136 tỷ, hiện đã mua vật tư thiết bị, đang được tập kết tại ga Thị Cầu Bắc Ninh, ga Chí Linh Hải Dương và kho của nhà thầu. Tiểu dự án Phả Lạ i- Hạ Long (TDA3) có giá trị hợp đồng lớn nhất lên tới 517 tỷ đồng, hiện cũng có hàng trăm nghìn thanh ray, bu lông, tà vẹt cũng đang được nằm đắp bạt.

Điều đáng chú ý nữa là hầu như các gói thầu của các tiểu dự án đều đang tạm dừng, song kinh phí trông coi  bảo quản vật tư chưa sử dụng của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt bổ sung đến hết năm 2016.

Đến nay, thời gian trông coi bảo quản vật tư theo quy định hợp đồng đã hết hạn. Để đảm bảo vật tư thiết bị đã mua liên tục được trông coi bảo quản, không bị mất và hư hỏng, cuối năm 2016 đến nay Ban QLDA đường sắt đã có nhiều văn bản báo cáo vướng mắc khó khăn và đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn để thực hiện trông coi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được bố trí vốn.

Do không được bổ sung kinh phí nên nhà thầu trông coi bảo quản vật tư ray đã nhiều lần có văn bản xin chấm dứt hợp đồng, không chịu ứng kinh phí để thay bạt phủ ray tại các bãi ray ngoài hiện trường...

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án đường sắt, để có thể đưa vào khai thác vào năm 2022, Dự án cần thêm khoảng 5.268 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I (2017 - 2020) khoảng 4.041 tỷ đồng; giai đoạn II (2021 - 2022) khoảng 1.204 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 không bố trí bất cứ khoản kinh phí nào để hoàn thiện Dự án, nên nguồn hy vọng duy nhất mà Ban Quản lý dự án đường sắt trông vào để làm sống lại tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn là từ xã hội hóa đầu tư. Cụ thể, để giải cứu Dự án, đại diện chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT đưa công trình dang dở này nào danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

Đơn vị này cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức xúc tiến đầu tư tới các nhà đầu tư trong nước. Thế nhưng, do lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi lợi thế về vận tải hành khách không còn sau khi trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long hoàn thành đã khiến các nhà đầu tư cân nhắc rất kỹ khi bỏ vốn hoàn thiện Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Như vậy, trong khi chưa sinh lợi được đồng nào để góp phần hoàn vốn gốc, lãi cho hơn 4.322 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ đã tiêu suốt 8 năm qua, Dự án tiếp tục ngốn thêm một nguồn chi phí đang kể nữa chỉ để trông coi những cấu kiện bê tông, thép… chơ vơ giữa bãi đất trống.

Đặng Nhật
.
.
.