Hàng loạt Dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội: Vẫn “nhùng nhằng” tiến độ

Thứ Sáu, 29/06/2018, 09:39
Cho đến thời điểm này, việc người dân mong chờ các dự án đường sắt đô thị sớm đi vào hoạt động vẫn chỉ là vô vọng.

Bởi ngay như dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông, một trong những dự án được triển khai đầu tiên và sớm nhất thì nay Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn đang chờ xin ý kiến của Thủ tướng về việc tiếp tục điều chỉnh tiến độ thực hiện. 

Bên cạnh đó, dự án Nhổn - ga Hà Nội cũng chậm tiến độ tương tự. Thêm nữa có cả Dự án đường sắt đô thị số 2 Yên Viên-Ngọc Hồi cũng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Đưa dự án vào diện theo dõi đặc biệt

Cuối tháng 2-2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT về việc điều chỉnh tiến độ hoàn thành Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông và đưa vào khai thác thương mại trong quý I-2018. 

Tại thời điểm đó, theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt, tổng thể dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng. Thế nhưng, từ đó đến nay, tiến độ tiếp tục bị chậm. 

Đến tháng 3-2018, lấy lý do công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc, năng lực quản lý điều hành của tổng thầu EPC còn hạn chế, mặt khác do đặc thù của dự án vừa thiết kế vừa thi công... một lần nữa Bộ GTVT lại có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh tiến độ thi công các hạng mục còn lại của Dự án. 

Đến tháng 6-2018, Bộ GTVT tiếp tục có báo cáo bổ sung về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2021 (trong đó thời gian hoàn thành giai đoạn thực hiện dự án trong quý IV/2018.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ đưa Dự án vào diện theo dõi đặc biệt. Liên quan đến nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong việc chậm tiến độ Dự án, lãnh đạo Bộ GTVT lý giải: Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc, thuộc công trình cấp đặc biệt có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ, nhiều hạng mục không có trong quy trình của Việt Nam phải sử dụng quy trình công nghệ của Trung Quốc. 

Quy định về hồ sơ thiết kế và dự toán, hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị, công nghệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều khác biệt; các tổ chức tư vấn trong nước không đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm tra... Đây là nguyên nhân xuyên suốt làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án ngay từ thời điểm triển khai thi công đến nay.

Việc kéo dài giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của Dự án vào khai thác còn gây ra một số tác động như: Tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường; khó khăn trong quá trình đi lại và sinh hoạt của người dân, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư Dự án; tạo tâm lý không tốt của người dân đối với Dự án...

Một trong các hạng mục của dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội.

Ùn tắc giao thông, ảnh hưởng lớn tới người dân

Qua nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, chia nhỏ thành các dự án thành phần, nhưng kể từ sau sự việc Công ty Tư vấn JTC Nhật Bản hối lộ và nhiều quan chức ngành đường sắt “nhúng chàm”, đến nay, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội) vẫn ì ạch. 

Đáng nói, dự án được phê duyệt từ rất lâu và tổng mức đầu tư đã tăng từ hơn 9.000 tỷ đồng lên mức hơn 44.000 tỷ đồng và chưa biết đây đã là mức cuối hay chưa. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết, hiện tại Dự án đã được bố trí và giải ngân 1.271,7 tỷ đồng (trong đó vốn ODA là 693,3 tỷ đồng; vốn đối ứng là 578,4 tỷ đồng để thực hiện GPMB, quản lý dự án, thuế…). 

Trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2010, nguồn vốn vay ODA được bố trí là 4.500 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2 của dự án, đã chia làm 2 giai đoạn, dự án 2A và dự án 2B.

Bộ GTVT sẽ rà soát đề xuất tiến độ thực hiện dự án và phương án dự kiến kế hoạch giải ngân để Bộ Tài chính có cơ sở đánh giá tác động đến nợ công. Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, đối với dự án giai đoạn 1, cân đối bổ sung vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác GPMB và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. 

Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018 theo quy định Còn với giai đoạn 2A (đoạn Ngọc Hồi - Hà Nội) và giai đoạn 2B (Hà Nội - Yên Viên), trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn lập điều chỉnh dự án, giao Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, để báo cáo Quốc hội có ý kiến làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Tương tự, được khởi công năm 2010 và có tiến độ hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến thời điểm này (chậm hơn 3 năm) hầu hết các hạng mục tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa xong. Cùng với ùn tắc, người tham gia giao thông đang phải chui qua gầm công trường trong cảm giác âu lo. 

Ghi nhận trên công trường đường sắt Nhổn - ga Hà Nội trong những ngày qua, suốt chiều dài 12,5km từ ga Hà Nội đến Nhổn mới chỉ có đoạn trụ cầu từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến Nhổn là được gác dầm chữ U (mặt bằng trên cao để lắp đường ray). 

Tại các nhà ga đoạn qua các khu vực: trước ĐH Quốc gia Hà Nội, chùa Hà, Cầu Giấy… hàng rào tôn chiếm 1/2 lòng đường nhiều năm nay. Ngoài luôn đối diện với ùn tắc, do bên trên đang còn dàn giáo thi công nên mỗi khi đi qua các lô cốt nhà ga, người tham gia giao thông không tránh khỏi cảm giác "run run" như đi vào "cửa tử". 

Không biết đến bao giờ, bộ mặt giao thông thủ đô mới có thể thay đổi, chứ cứ kiểu tiến độ “rùa” thế này, người dân chỉ biết thở dài ngao ngán…


Đặng Nhật
.
.
.