Hàng không Việt sắp có thêm một hãng bay

Thứ Năm, 11/07/2019, 07:59
Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) vừa công bố ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.


Dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế được cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như: huấn luyện chuyển loại, nâng cấp định kỳ cho phi công, thợ máy; huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay…

Để triển khai chủ trương này, Vingroup đã ký kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới - thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không (VinAviation School) và Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam.

Trong đó, VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm. Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác.

Riêng nhóm ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay sẽ do Trường Đại học VinUni đảm nhiệm. Đáng lưu ý, việc tuyển sinh dự kiến sẽ được tiến hành ngay trong tháng 8-2019.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, để có thể "cất cánh", trước hết, Vinpearl Air sẽ cần cái "gật đầu" của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không. Cụ thể, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc xin cấp phép bay của Vinpearl Air.

Thông tin thêm, vị này cho rằng, nếu thực sự muốn “cất cánh”, Vinpearl Air không cách nào khác cũng phải làm tất cả các bước mà Bamboo Airways - hãng hàng không vừa có chuyến bay thương mại đầu tiên hôm 16-1-2019 đã phải trải qua.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư, Vinpearl Air sẽ phải nộp đề xuất dự án vận tải hàng không tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - nơi doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh. Nếu Sở này đồng thuận sẽ tiếp tục đưa lên Bộ KH&ĐT xem xét, thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Sau bước này, Vinpearl Air sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không VN. Song “để rút ngắn thời gian, Vinpearl Air hoàn toàn có thể tìm hiểu quy định và chuẩn bị sẵn hồ sơ.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, hồ sơ sẽ được nộp ngay tới Cục Hàng không VN”, một chuyên gia vận tải hàng không cho hay. Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện về vốn; phương án đảm bảo có tàu bay khai thác tổ chức bộ máy; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quyđịnh tại Nghị định 92 về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng; đồng thời phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không quy định tại Nghị định 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vinpearl Air vẫn sẽ cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.

Phạm Huyền
.
.
.