Hạn chế xe cá nhân, thu phí giờ cao điểm vào nội đô để giảm ùn tắc

Thứ Năm, 25/10/2018, 17:39
Theo Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện, Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy và gần 500.000 ôtô, trong đó có trên 327.000 ôtô con.

Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ôtô và 8% xe máy trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm; chiều dài 1,3%.

Được biết, qua công tác điều tra khảo sát phỏng vấn hộ gia đình của thành phố vào giữa năm 2017 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ chính sách tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân của người dân thành phố Hà Nội là 84%; có 71,7% số người ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là 90,3% nhưng yêu cầu phải có những điều kiện như hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân...

Tại Nghị quyết 04 về các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường của thành phố, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Theo đó, thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ mở tiếp các tuyến buýt kết nối ngang, buýt mini… để mục tiêu đến năm 2020, hành khách chỉ phải di chuyển tối thiểu 500m là có thể tiếp cận được phương tiện giao thông công cộng. Hà Nội đang cân đối để có phương án tốt nhất bù đắp cho các tuyến đường sắt trên cao chưa đưa vào hoạt động bằng cách sẽ tăng cường các tuyến buýt.

Hải Châu
.
.
.