Xung quanh đề xuất xe buýt thường chạy chung với xe buýt nhanh BRT

“Hà Nội nên nghiêm túc rút kinh nghiệm”

Chủ Nhật, 04/03/2018, 11:04
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ GTVT, chuyên gia giao thông đô thị. 

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc Hà Nội đề xuất cho xe buýt thường, các phương tiện khác chạy chung đường với xe buýt nhanh BRT vào những khung giờ khác nhau là việc làm cần thiết khi tuyến buýt này đang gây lãng phí cả về không gian lẫn tiền bạc. Từ nay đến năm 2025, Hà Nội không nên xây dựng thêm dự án xe buýt nhanh nào khác.

Ngày 25-2 vừa qua, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với TP Hà Nội cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng của tuyến buýt nhanh lộ trình Kim Mã- Yên Nghĩa từ 4h đến 23h hàng ngày. Các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh từ 23h đến 4h ngày hôm sau. 

Đầu tư cả 1.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả mà xe buýt nhanh mang lại không cao.

Trung tâm cũng đề xuất TP cho xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ xe buýt nhanh, giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m. Tuyến buýt nhanh tới đây cũng sẽ tăng cường các dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách như sử dụng vé điện tử, bổ sung bảng thông tin cho hành khách, thông báo bằng âm thanh tại nhà chờ. 

Tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến buýt nhanh tạo sự thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến buýt nhanh; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ… 

Còn nhớ trước đó, tại một phiên họp diễn ra vào tháng 4-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu thí điểm cho các loại xe buýt khác đi vào làn dành cho xe buýt nhanh. Sau đó sẽ nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác. 

Theo ông Nguyễn Đức Chung, trung bình mỗi xe buýt nhanh chỉ có khoảng 34 hành khách/chuyến (thấp nhất) và cao nhất chưa đạt 48 khách/chuyến nên việc ưu tiên cho xe buýt nhanh sử dụng một làn đường là chưa hợp lý.

Mặc dù phương án cho xe buýt thường và các phương tiện khác đi vào làn đường buýt nhanh theo các khung giờ khác nhau mới chỉ là đề xuất của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị nhưng ngay sau khi thông tin này được đưa ra, các phương tiện tham gia giao thông cùng lộ trình với xe buýt nhanh từ Kim Mã về bến xe Yên Nghĩa như được “cởi trói”. 

Theo ghi nhận của P.V, vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, nhiều phương tiện đã tràn vào đi cùng làn với xe buýt nhanh. 

Trước thông tin Hà Nội đề xuất cho xe buýt thường, các phương tiện khác đi vào làn đường xe buýt nhanh, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội nên triển khai sớm việc này chứ không phải để đến bây giờ. Tuyến buýt nhanh Kim Mã-Yên Nghĩa đã chiếm một trong 3 làn xe chạy trong khi các phương tiện khác chen chúc, ùn tắc là điều bất hợp lý. 

Cùng với đó, hành khách tiếp cận với xe buýt nhanh tại một số điểm nút giao thông còn chưa an toàn. Việc kết nối giữa tuyến buýt nhanh với các phương tiện khác còn chưa tốt. 

Trong khi nếu cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu, kết nối giữa các loại hình giao thông tốt thì tuyến buýt nhanh có thể duy trì từ 1 phút- 3 phút/ chuyến. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay,  xe buýt nhanh mới chỉ di chuyển với tần suất 15 phút/chuyến, lượng hành khách vận chuyển chưa cao, chỉ nhỉnh hơn một chút so với xe buýt thường. 

“Có một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, không nước nào trên thế giới cho các phương tiện khác đi vào làn đường buýt nhanh. Tuy nhiên, thông tin này cần kiểm chứng vì mỗi nước, mỗi thành phố lại có những đặc điểm về giao thông khác nhau”, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, cùng với việc đề xuất cho xe buýt thường, các phương tiện khác chạy chung đường với xe buýt nhanh thì Hà Nội nên nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sai lầm ở những dự án xe buýt nhanh khác. 

Từ nay đến năm 2025, Hà Nội không nên xây dựng dự án buýt nhanh. Bởi lẽ, sau khoảng 7 năm tới đây, các dự án đường sắt trên cao đi vào hoạt động; nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông đô thị... cơ bản mới đáp ứng các tiêu chí để triển khai dự án xe buýt nhanh.

Ngay từ khi dự án xe buýt nhanh còn đang thực hiện, TS Nguyễn Xuân Thủy đã nhận định, dự án sẽ gây ra sự lãng phí cả về không gian lẫn tiền bạc.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy thì Hà Nội vội vàng thực hiện dự án buýt nhanh mà không có sự nghiên cứu thực tế, thiếu tham khảo ý kiến chuyên gia… nên dẫn đến việc ưu tiên 1 làn đường dành cho xe buýt nhanh trong khi chỉ dành 2 làn đường còn lại cho các phương tiện khác là một sự lãng phí về không gian. Bên cạnh đó, việc đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện dự án mà hiệu quả dự án mang lại quá thấp do với số tiền đầu tư là một sự lãng phí về tiền bạc.


Nguyễn Hương
.
.
.