Người Hà Nội loay hoay tìm đường vượt bậc tam cấp

Thứ Tư, 22/03/2017, 10:40
Sau hơn 1 tuần mở chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều tuyến đường tại Hà Nội đã có một bộ mặt khác, thông thoáng, rộng rãi và sáng sủa hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sau khi phá bỏ các bậc tam cấp, cũng có không ít gia đình sinh hoạt xáo trộn vì có nhà cao hơn đường bất thường. Và nhiều gia đình, muốn vào nhà, phải kê ghế đẩu thay bậc tam cấp.


Vui, buồn cùng bậc tam cấp

Trong hai ngày 20 và 21-3, tại nhiều tuyến phố như Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Hào Nam, đường Kim Liên Mới, đường Ô Chợ Dừa mới... nhiều vỉa hè trên các tuyến đường này trở nên thênh thang và thoáng đẹp hơn. Tại các số nhà vi phạm lấn chiếm vỉa hè, sau khi các bậc tam cấp được phá bỏ, người dân cũng đã tự hoàn thiện trát phẳng, dọn dẹp gọn gàng. 

Với các hộ có có nền nhà thấp, không cao hơn đường quá nhiều thì việc bị phá bậc tam cấp không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình sau khi bị phá bỏ tam cấp, nền nhà cao hơn đường 60-70cm. Hằng ngày, các hộ này phải trèo lên, trèo xuống nhà rất bất tiện. 

Vừa dọn dẹp phần vỉa hè vừa phá, chị Trần Thị Tuyết, chủ cửa hàng tạp hoá trên đường Ô Chợ Dừa mới chia sẻ: “Sau khi dỡ bỏ bậc tam cấp, nền nhà tôi cao hơn mặt đường tới gần 1m, người già, trẻ nhỏ lên xuống rất khó khăn. Nhà xây từ trước khi có đường, nay không biết tính thế nào, nếu xây bậc tam cấp giật vào trong nhà, thì diện tích còn lại chẳng là bao. Vì thế, để lên xuống dễ dàng, chắc tôi phải xếp tạm mấy miếng gỗ. Khi nào lực lượng chức năng đến lại phải nhấc lên thôi”.

Cách đó vài chục mét, bác Nguyễn Thanh, ở số nhà 23 đường Ô Chợ Dừa cũng cho hay: “Chủ trương của TP thì phải chấp hành”. Bác vừa nói vừa chỉ tay ra hướng vỉa hè: Nếu xếp hai hàng xe thì vẫn còn một khoảng rộng dành cho người đi bộ, nên nếu được thì cơ quan chức năng cũng nên cho chúng tôi để bậc gỗ, vì hiện giờ nhà cao hơn vỉa hè gần 1m, lên xuống rất vất vả, xe không thể dắt lên nhà, mà phải gửi đi nơi khác”. 

Những hạng mục xây dựng lấn chiếm vỉa hè bị tháo dỡ. Ảnh: CTV

Tình trạng nhà cao hơn đường cũng xảy ra tương tự với nhiều hộ dân trên phố Xã Đàn. Nhiều gia đình sau khi mất bậc tam cấp phải sử dụng những bậc tam cấp "tạm thời" để thuận tiện cho việc đi lại.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, trong khi các bậc tam cấp lấn chiếm trên vỉa hè của người dân bị phá dỡ, thì tại các phố như Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn… vỉa hè vẫn tồn tại rất nhiều các hộp kỹ thuật của điện lực. Không chỉ chiếm nhiều diện tích vỉa hè, sự “hiện diện” của các hộp kỹ thuật này còn là nỗi hoang mang của người dân vì sợ không an toàn. Thậm chí trên nhiều tuyến đường, vỉa hè rộng chừng hơn 1m, nếu gặp phải bốt điện, hay tủ viễn thông người đi bộ không còn phương án nào khác là đành phải đi xuống lòng đường. 

Chị Thái Trinh bán hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: Ngày trước cứ hễ đi bộ trên  đường này, hầu như mình phải đi bộ vì vỉa hè lúc thì vướng xe, lúc thì vướng bốt điện. Nay họ dẹp được bậc tam cấp,  xe cũng để gọn hơn, vỉa hè coi như rộng thêm, nhưng mấy bốt điện thì chưa thấy động tĩnh gì. Mấy cái bốt này gặp trời mưa, người dân đi qua đi lại cũng rất sợ, vì thế cơ quan chức năng nên tính đến cả việc này nữa”.

Lỗi không hoàn toàn thuộc về người dân

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), việc thành phố ra quân dẹp vỉa hè, dỡ bậc tam cấp là chủ trương đúng, cần dư luận ủng hộ. Cách đây 25 năm, Hà Nội đã quy định rất rõ về xây dựng bậc tam cấp đối với những ngôi nhà mặt đường. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cả người dân và cơ quan chức năng đều không thực hiện nghiêm chỉnh. 

Ông Nghiêm phân tích, việc xây dựng ở đô thị có quy định và quy chuẩn cụ thể. Ví dụ, từ năm 1992 đã có quy định với nhà tiếp giáp với mặt đường, người dân có thể làm bậc tam cấp đua ra không quá 30cm. Tuy nhiên, trên hầu hết tuyến phố, các hộ dân lấn ra vỉa hè 2-3 bậc. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. 

Tam cấp tạm bằng gỗ trên đường Kim Liên Mới.

Thứ nhất là người dân chưa nắm được quy định. Thứ hai là nắm được nhưng cố tình không thực hiện. Song trên thực tế, phần lớn công trình xây dựng nhà ở Hà Nội đều được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Nhiều nơi cấp phép cho xong chứ không xuống kiểm tra khi công trình đang thi công hay đã hoàn thành. Ngoài ra quy định về mái vẩy, mái hắt, thậm chí vị trí chảy nước điều hòa nhiệt độ cũng có. Phải nói thẳng ra là lỗi không phải do quy hoạch mà vì ý thức của người dân chưa cao và năng lực quản lý của cơ quan chức năng yếu kém.

Nói về giải pháp xử lý bậc tam cấp thế nào cho hợp lý, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong kỹ thuật có rất nhiều cách để khắc phục. Trước mắt, người dân có thể sử dụng các kết cấu tạm để lên xuống. Phương án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống vì rất mất thời gian và phiền phức. Về lâu dài, người dân nên điều chỉnh lại, đẩy lùi bậc tam cấp vào đúng ranh giới phần đất nhà mình. Thực tế, nhiều gia đình ở Hà Nội đã thực hiện việc này rồi.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đánh giá cao việc các cấp chính quyền tại Hà Nội quyết tâm dọn dẹp vỉa hè, trả lại hành lang cho người đi bộ. 

Ông cũng cho rằng, khi vỉa hè được dọn dẹp để giành lại hành lang cho người đi bộ sẽ khiến cho nhiều người kiếm sống trên vỉa hè cảm thấy bức xúc và dễ gây ra việc tái chiếm lại. Việc giành lại vỉa hè ở Hà Nội nên có những chính sách, biện pháp lâu dài như xây dựng các điểm đỗ xe để người dân có nơi để xe và có nơi họp chợ cho người dân để bớt các chợ cóc, người bán hàng rong. 

“Mình làm phải lấy người dân làm trung tâm. Bởi khi lấy lại vỉa hè sẽ khiến cho hàng vạn người không có công ăn việc làm, hàng triệu chiếc xe không có chỗ để. Vì vậy, kết quả sẽ tốt hơn nếu các cấp lãnh đạo ở các TP làm nhanh các dự án họp chợ và để xe cho người dân. Có như vậy, việc giành lại vỉa hè mới bền chặt”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ đề xuất.

P.Huyền – Ngọc Yến
.
.
.