Hà Nội có thêm 25 đường phố mới, đặt tên cầu Nhật Tân

Thứ Bảy, 06/12/2014, 11:15
Sáng 5/12, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết về đặt, đổi tên một số đường phố, công trình công cộng trên địa bàn. Theo đó, cầu dây văng dài nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh được chính thức được đặt tên là Nhật Tân. Nghị quyết được thông qua với sự tán thành của 83 đại biểu, đạt tỷ lệ 88,3% so với tổng số đại biểu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nhất trí thông qua đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố với 25 đường, phố được đặt tên mới. Cụ thể: Quận Cầu Giấy có thêm phố Thọ Tháp (đoạn từ ngã tư giao cắt với phố Trần Thái Tông, đối diện trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu đến ngã ba giao cắt với tòa nhà N07 KĐT mới Cầu Giấy), dài 820 mét. Quận Hoàng Mai có 3 phố mới được đặt tên, gồm: Phố Bằng Liệt (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường vành đai III, giáp cầu Dậu đến ngã ba giao cắt với cầu Quang, cạnh chùa Bằng A), dài 1,8km; phố Hưng Phúc (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường vành đai III, cạnh chùa Hưng Phúc đến tổ dân phố 26, cạnh Miếu Cốc), dài 600 mét; phố Đông Thiên (đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Vĩnh Hưng đến ngã ba giao cắt với đường Lĩnh Nam, ngõ 351), dài 1km.

Cầu dây văng dài nhất Việt Nam được mang tên Nhật Tân.

Quận Nam Từ Liêm có thêm 14 đường, phố mới gồm: Phố Thiên Hiền (đoạn từ ngõ 52 đường Phạm Hùng đến điểm giao cắt với đường Mỹ Đình), dài 750 mét; phố Sa Đôi (đoạn từ ngã ba giao cắt với đại lộ Thăng Long đến ngã ba đường 70), dài 1,1km; phố Phú Đô (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Châu Văn Liêm đến ngã ba bãi Tế Yến), dài 600m; phố Nhổn (đoạn từ ngã tư Nhổn đến ngã tư giáp địa phận huyện Hoài Đức), dài 600m; phố Hòe Thị (đoạn từ ngã ba giao với đường Phương Canh đến khu công nghiệp vừa và nhỏ), dài 500 mét; phố Tu Hoàng (đoạn từ ngã ba quốc lộ 32 đến giáp khu tái định cư Xuân Phương), dài 500 mét; phố Thị Cấm (đoạn từ phía tiếp giáp với đường Phương Canh đến khu nhà ở VP Quốc hội), dài 500 mét; phố Ngọc Trục (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường dự kiến đặt tên Đại Mỗ đến chùa Ngọc Trục), dài 1km; đường Đại Mỗ (đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Vạn Phúc và Tố Hữu, quận Hà Đông đến ngã ba giao với đường Hữu Hưng và Tây Mỗ), dài 2,3km; phố Cầu Cốc (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Tây Mỗ đến ngã ba giao với đường 72), dài 1,8km; phố Miêu Nha (đoạn từ ngã ba giao cắt với đại lộ Thăng Long đến điểm cuối đường Xuân Phương), dài 1,4km; phố Cương Kiên (đoạn từ ngã ba giao cắt với đại lộ Thăng Long đến cổng làng Trung Văn), dài 400 mét; phố Đồng Me (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Mễ Trì đến ngã ba giao cắt với phố Mễ Trì Thượng), dài 500 mét; phố Miếu Đầm (đoạn từ cuối đường Đỗ Đức Dục đến ngã ba giao cắt với đại lộ Thăng Long), dài 500 mét.

Huyện Ba Vì có 3 đường được đặt tên mới, gồm: Đường Quảng Oai, đường Phú Mỹ và đường Tây Đằng. 2 đường, phố mới còn lại thuộc thị xã Sơn Tây, gồm: đường Đá Bạc, phố Cầu Hang.

Bế mạc kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tờ trình về danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2015; dự án, công trình chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2015 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội, với 84/85 đại biểu có mặt tán thành. Theo đó, có 565 công trình, dự án thu hồi đất năm 2015 nằm trong danh mục, với tổng diện tích đất 1.375ha. Kinh phí bố trí để bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án sử dụng ngân sách thành phố được cân đối trong nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách xây dựng cơ bản năm 2015 của HĐND thành phố; kinh phí bố trí để bồi thường GPMB đối với dự án sử dụng vốn ngân sách của cấp huyện do UBND cấp huyện bố trí; kinh phí bố trí để bồi thường GPMB dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí. Danh mục 300 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ năm 2015, với tổng diện tích chuyển mục đích 575ha. Trong đó, đất trồng lúa 296 dự án với diện tích 571ha; 4 dự án đất rừng phòng hộ, với diện tích 4ha (không có rừng đặc dụng).
Ngọc Yến
.
.
.