Gửi hàng qua xe khách - dịch vụ nhiều kẽ hở

Thứ Tư, 08/03/2017, 07:10
Gửi hàng qua xe khách đang là dịch vụ vô cùng tiện lợi, nhưng hàng hóa gửi qua xe khách lại rất khó kiểm soát. Thế nên đã xảy ra những vụ nổ xe khách vô cùng nghiêm trọng vì vận chuyển pháo, chất nổ... Vậy, pháp luật quy định trách nhiệm của chủ xe, lái xe như thế nào? Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? Phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Luật sư Vũ Văn Toàn, Công ty luật Hợp danh Bình An.


Phóng viên (PV): Ngày 21-2, xe khách giường nằm chạy tuyến Thái Nguyên – Móng Cái đang lưu thông trên quốc lộ 18 phát nổ khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương. Nhớ lại cách đây hơn chục năm, vụ nổ xe khách ở xã Đại Bái, tỉnh Bắc Ninh làm hơn 40 người tử vong. Luật sư có đánh giá gì về vấn đề này?

Luật sư (LS) Vũ Văn Toàn: Hiện nay, dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa trên xe khách được nhiều người sử dụng bởi tính tiện lợi của nó. Đây là dịch vụ có nhiều kẽ hở khó kiểm soát. 

Bởi vậy, kẻ xấu lợi dụng đưa lên xe khách những hàng hóa bất minh về nguồn gốc như hàng cấm, hàng lậu và hàng nguy hiểm dễ cháy nổ. Dưới góc độ pháp lý, tại Khoản 14, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ: Vận chuyển hàng nguy hiểm dễ cháy nổ là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Một xe khách bị nổ do không kiểm soát được hàng hóa vận chuyển trên xe.

PV: Nếu vi phạm, lái xe, chủ xe sẽ bị xử lý như thế nào?

LS Vũ Văn Toàn: Mức phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài việc xử lý hành chính, nếu tiếp tục vi phạm hoặc vi phạm với số lượng lớn, các đối tượng trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu đó. 

Đặc biệt có tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù đến chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng… 

Như vậy, hàng hóa gửi trên xe khách thuộc trách nhiệm chính của lái xe, nhân viên phục vụ xe. Những đối tượng trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm vận chuyển các loại hàng hóa cấm, hoặc hàng hóa cháy nổ gây nguy hiểm cho hành khách. Cơ quan điều tra sẽ phối hợp với chủ xe để điều tra về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

PV: Vậy làm sao để hành khách biết được mình ngồi trên chiếc xe an toàn, không có hàng nguy hiểm, thưa luật sư?

LS Vũ Văn Toàn: Trách nhiệm kiểm soát hành lý, hàng hóa ký gửi trên xe khách thuộc về nhà xe, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Trách nhiệm này đã được quy định rõ trong Thông tư 63/2014/TT-BGTVT. 

Thông tư này quy định, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi nhận hàng hóa gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) “không được nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống”. Trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng được quy định tại Khoản 3 Điều 24: “Không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống”.

PV: Quy định là vậy, nhưng lái xe và phụ xe đâu có quyền được kiểm tra hành lý của hành khách?

LS Vũ Văn Toàn: Đúng vậy. Việc kiểm soát hành lý của hành khách gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với hành lý xách tay. Bởi doanh nghiệp vận tải, lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe không có thẩm quyền và kiến thức để kiểm tra, phát hiện hàng hóa và cũng chưa có quy định nào bắt buộc kiểm tra, soi chiếu hành lý, hàng hóa của hành khách mang theo tại bến xe trước khi hành khách lên xe. 

Nếu như việc mang hành lý xách tay hay ký gửi hàng hóa của hành khách khi đi máy bay được các hãng hàng không và đơn vị quản lý cảng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt thì đối với xe khách hầu như chưa được thực hiện bởi vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết.

PV: Vậy thì theo luật sư, để đảm bảo an toàn cho hành khách trong vận chuyển hàng hóa hiện nay, cần phải làm gì?

LS Vũ Văn Toàn: Cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như quy định khi nhận hành lý của hành khách, phải xác minh người gửi lẫn người nhận. Thậm chí, phải kiểm tra cả số CMND của người gửi để có thể truy trách nhiệm khi hàng hóa đó có vấn đề. 

Ngoài ra, có thể tăng thẩm quyền của doanh nghiệp vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các loại hàng đưa lên xe tương tự như trách nhiệm kiểm soát ở sân bay. Trường hợp các doanh nghiệp vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe vô tình hoặc vì lợi nhuận mà nhận vận chuyển các hàng hóa, vật dụng nguy hại gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Với những trường hợp phát hiện hành khách mang theo chất cấm, vật liệu cháy nổ thì phải từ chối phục vụ, thậm chí có thể báo hoặc tố giác với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

PV: Khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng (nổ xe, khách tử vong, bị thương) thì việc bồi thường sẽ được giải quyết như thế nào, thưa luật sư?

LS Vũ Văn Toàn: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 528 Bộ luật Dân sự 2015. Để xác định ai bồi thường, cần phải làm rõ nguyên nhân vụ nổ, ai gây ra vụ nổ. 

Trong trường hợp nếu cơ quan điều tra đã chứng minh và xác định doanh nghiệp vận tải hoặc chủ sở hữu xe khách nhận vận chuyển số hàng hóa tình nghi vật liệu nổ, mà dẫn đến cháy nổ thì tại thời điểm đó thì chủ xe hoặc doanh nghiệp vận tải phải bồi thường. 

Nếu trong trường hợp cơ quan điều tra xác định hàng dễ cháy, nổ nằm trong hành lý của hành khách hoặc trong hàng hóa nhà xe nhận vận chuyển thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoặc nhà xe không chịu trách nhiệm bồi thường, mà hành khách có hàng dễ cháy, nổ phải bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách hoặc nhà xe bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe. 

Như vậy, nếu nhà xe hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định thì thiệt hại của hành khách trên xe sẽ được bảo hiểm chi trả, ngoại trừ một số trường hợp như hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; nguyên nhân do chiến tranh, khủng bố, động đất… Việc bồi thường thiệt cho hành khách bị thiệt hại trong vụ nổ sẽ được yêu cầu bồi thường toàn bộ đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và cả mặt tinh thần.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.