Gỡ “điểm nghẽn” giao thông thủy vùng ĐBSCL: Trên dòng kênh trăm năm…

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:55
Kênh Chợ Gạo được người Pháp cho đào cách đây trên 140 năm sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam Kỳ, nhằm nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam Bộ ngắn nhất.

Hiện kênh Chợ Gạo độc đạo vận chuyển hàng hóa, lúa gạo, nông sản từ ĐBSCL đi TP Hồ Chí Minh. Toàn tuyến kênh này dài 28,5 km, mỗi ngày/đêm có hơn 1.000 lượt phương tiện tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn vận chuyển hàng hóa, cao điểm lên đến 1.800 lượt dẫn đến tuyến kênh thường xuyên tắc nghẽn. Nhiều sự cố va chạm, lật tàu thuyền đã xảy ra, kèm theo đó là hiện tượng sạt lở bờ, gây tổn thất đáng kể về người và tài sản...

Luồng hẹp, mật độ lưu thông cao

Trung tá Phạm Văn Ích, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Vàm Kỳ Hôn (Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang) cho biết, kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL, mỗi ngày có trên 1.000 lượt phương tiện lưu thông. Năm 2019, tình hình TTATGT trên tuyến kênh Chợ Gạo được duy trì ổn định. Kênh Chợ Gạo có luồng hẹp, mật độ lưu thông cao nên vẫn xảy ra va quẹt giữa các phương tiện, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

“Nguyên nhân do lượng phương tiện hành trình cùng một thời điểm. Khi con nước lớn, tất cả phương tiện cùng hành trình vào tuyến kênh theo hai hướng sông Vàm Cỏ và sông Tiền, đặc biệt là các phương tiện sà lan boong chở vật liệu xây dựng di chuyển rất chậm. Các phương tiện khác phải nối đuôi nhau, khi đến khu vực cầu Chợ Gạo thường gây ùn tắc, dễ dẫn đến va quẹt”, Trung tá Phạm Văn Ích nói.

Thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết, Ban Chỉ huy Trạm CSĐT Vàm Kỳ Hôn đã xây dựng, triển khai các kế hoạch công tác và quán triệt đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thực hiện hiệu quả. Đơn vị chủ động theo dõi, nắm tình hình trên tuyến thủy phụ trách, tăng cường công tác tuần tra và không để xảy ra ùn tắc trên kênh Chợ Gạo. Từ ngã ba Vàm Kỳ Hôn - nơi tiếp giáp với sông Tiền đến sông Vàm Cỏ, tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5 km.

Năm 2015, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 với kinh phí 786 tỷ đồng hoàn thành đi vào hoạt động góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực vận tải giao thông thuỷ. Trong giai đoạn 1, dự án hoàn thành thi công với khối lượng nạo vét 17/28,6km thông luồng kỹ thuật. Nhờ đó, tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến kênh này giảm đáng kể.

Anh Lê Nhân (ngụ TP Mỹ Tho, chủ sà lan chở cát chuyên lưu thông trên tuyến kênh Chợ Gạo), cho biết: “Thời gian trung bình lưu thông qua hết tuyến kênh Chợ Gạo là gần 2 giờ đồng hồ. Nếu xảy ra ùn tắc hoặc gặp sự cố tai nạn thì mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Trước đây thường xuyên ùn tắc, còn hiện nay tình trạng này đỡ hơn rất nhiều”.

Năm 2019, tuyến kênh Chợ Gạo xảy ra 1 vụ phương tiện chở sắt mắc cạn, gây ùn ứ cục bộ. Dù trên tuyến kênh đã lắp đặt 2 biển báo hiệu luồng cạn độ sâu dưới 3m ở hai đầu kênh nhưng thực tế phương tiện từ sông Vàm Cỏ và sông Tiền lưu thông vào kênh Chợ Gạo, thuyền trưởng thường không chờ con nước phù hợp với mớn nước tàu để lưu thông.

“Các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở nhưng tình trạng phương tiện mắc cạn vẫn còn xảy ra”, một cán bộ tuần tra nói.

Năm 2019, Trạm CSĐT Vàm Kỳ Hôn đã phát hiện, xử lý hơn 8.000 trường hợp vi phạm. Các hành vi vi phạm phổ biến trên tuyến kênh Chợ Gạo thường là chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; xếp hàng hóa che khuất tầm nhìn; neo đậu ở những nơi cấm neo đậu và không tuân theo báo hiệu đường thủy; tránh vượt sai quy tắc hoặc di chuyển thả nước theo thủy triều gây cản trở giao thông.

Sạt lở hai bên bờ kênh Chợ Gạo diễn biến rất phức tạp.

Cần sớm nạo nét những điểm cạn

Trung tá Phạm Văn Ích cho biết thêm, qua công tác khảo sát, rà soát hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và các điểm khan cạn, vị trí thường xuyên mất TTATGT, Ban Chỉ huy Trạm CSĐT Vàm Kỳ Hôn đã tham mưu đề xuất lãnh đạo Phòng CSGT kiến nghị các ngành chức năng, cơ quan quản lý luồng tiến hành lắp đặt biển báo giới hạn độ sâu cho các phương tiện thủy lưu thông vào kênh Chợ Gạo.

Trạm đề nghị cho lắp đặt thêm biển báo hiệu “phát tín hiệu âm thanh” và “cấm quay trở” trên tuyến Rạch Lá; lắp đặt thêm biển báo hiệu “cấm vượt”, “chú ý nguy hiểm”, “phát tín hiệu giao thông” và “cấm quay trở” trên Rạch Kỳ Hôn. Đồng thời đề xuất cơ quan quản lý luồng sớm cho nạo vét những điểm khan cạn, có phương án cắt giảm các cua cong nhằm tăng khả năng quan sát cho các phương tiện khi lưu thông, hạn chế nguy cơ dẫn đến tai nạn.

Theo ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, kênh Chợ Gạo có vai trò rất quan trọng, hầu hết các phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa đều qua tuyến kênh này. Tình trạng ùn tắc, phương tiện bị mắc cạn thường xảy ra ở những đoạn chưa được nạo vét và xảy ra sạt lở hai bên bờ kênh.

“Nhiều tuyến đường dân sinh bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Trần Văn Bon cho biết. Từ năm 2015 đến nay, trên tuyến kênh xuất hiện cả trăm điểm sạt lở, nhiều nơi ăn sâu vào đất liền 2-20m gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân. Do khó khăn về nguồn vốn, giai đoạn 2 của dự án với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm đến nay vẫn chưa được triển khai. Tình trạng sạt lở trên tuyến kênh này ngày càng nghiêm trọng.

Chính do thời gian đầu tư kéo dài và chưa mang tính đồng bộ, kênh Chợ Gạo vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp vì tiềm ẩn nguy cơ vừa mất an toàn vừa mất rất nhiều thời gian. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hai (ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - người có thâm niên 25 năm vận chuyển hàng hóa trên tuyến kênh Chợ Gạo, chia sẻ: “Muốn vận chuyển hàng hóa từ miền Tây đi TP Hồ Chí Minh thì bắt buộc phải qua tuyến kênh Chợ Gạo. Mình canh cho sà lan đi theo con nước nên đỡ tốn nhiêu liệu”. Mỗi chuyến hàng vận chuyển từ thị xã Tân Châu (An Giang) đi TP Hồ Chí Minh, ông Hai cùng thuyền viên mất từ 7 đến 10 ngày, vì phụ thuộc theo con nước.

Đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp khảo sát tuyến đường thủy kênh Chợ và đánh giá đây là một trong những “nút thắt” giao thông thủy, cần giải quyết để tăng vận tải của cả khu vực ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông thủy, nâng cao năng lực vận tải các ghe tàu từ ĐBSCL đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Tuy nhiên, đây là tuyến đường thủy độc đạo nên mật độ phương tiện thủy lưu thông tăng cao.

UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 là khoảng 1.400 tỷ đồng, đầu tư nâng cấp, ổn định tuyến kênh Chợ Gạo, khắc phục triệt để vấn đề sạt lở bờ kênh và trình trạng quá tải, ùn tắc. Đồng thời, tăng năng lực vận hành, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài, bảo đảm ổn định an sinh xã hội của nhân dân bên bờ kênh Chợ Gạo.

“Chính phủ đã bố trí 500 tỷ để thực hiện giao đoạn 2 và sẽ dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2020. Hiện nay, ùn tắc đã giảm không còn như ngày xưa, nhưng mật độ giao thông ngày càng dày đặc và phương tiện hay bị mắc cạn ở những đoạn chưa được nạo vét. Sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân hai bên bờ kênh, đặc biệt ở phía Nam”, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang nói.

Giai đoạn 2 được thực hiện sẽ đảm bảo thông luồng, hạn chế phương tiện bị mắc cạn và xử lý được tình trạng sạt lở hai bên bờ kênh. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Ban Quản lý các dự án đường thủy tập trung phối hợp với địa phương cho công tác điều chỉnh hồ sơ để gia cố một số đoạn trên tuyến kênh Chợ Gạo. Trên cơ sở đó để tiến hành nạo vét một số đoạn, phục vụ cho việc phát triển giao thông vận tải đường thủy.

V.Đức – V.Vĩnh
.
.
.