Giao thông trong Tết Nguyên đán, bảo đảm an toàn nhưng còn "lơ là" phòng dịch

Thứ Năm, 18/02/2021, 09:12
Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia vừa có báo cáo tình hình trật tự ATGT 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Báo cáo đánh giá sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không và đường sắt; đồng thời báo cáo cũng đánh giá có sự lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19 của một số nhà xe.


Khách đi máy bay, tàu hỏa giảm mạnh

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, các cảng hàng không (CHK) Việt Nam chỉ đạt 9.500 lần hạ cất cánh (giảm 43,4%), đạt hơn 815.000 hành khách (giảm 66,6%); đạt 14.000 tấn hàng hóa, tăng 3,3% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020. 

Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được 408.000 khách (giảm gần 65%) và 2.000 tấn hàng hóa (giảm hơn 54%) so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020. Trong số cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn, CHKQT Tân Sơn Nhất chỉ đạt 256.000 lượt hành khách (giảm hơn 71%). CHKQT Nội Bài chỉ đạt 136.000 lượt khách (giảm gần 75%). CHKQT Đà Nẵng với 43 nghìn lượt khách (giảm 86,2%), 124 tấn hàng hóa (giảm 60,1%) so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán năm trước. 

Cũng như vậy, 7 ngày nghỉ vừa qua, sản lượng hành khách và hàng hóa lưu thông bằng đường sắt cũng giảm sâu khi số đoàn tàu khách thống nhất chỉ đạt 16 đoàn, đạt hơn 84% so với năm 2020 (19 đoàn). Tàu khách địa phương là 30 đoàn, đạt 62,5% so với năm 2020 (48 đoàn). Tổng số khách đi tàu đạt gần 12.800 hành khách, chỉ đạt 33,56% so với năm 2020 (hơn 38.000 hành khách); số lượng hàng hóa chuyên chở đạt hơn 6.000 tấn, đạt hơn 65% với năm trước (hơn 9.200 tấn).

Người dân trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Liên quan đến tình hình ùn tắc giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo báo cáo của một số địa phương, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp trước Tết giảm nhiều so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Giao thông nội thành các thành phố lớn, các khu di tích lịch sử, điểm du lịch tâm linh đền chùa lớn cơ bản thông thoáng.

Xử lý kịp thời các cuộc gọi qua “đường dây nóng”

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, số lượt phản ánh tới đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia đã giảm đáng kể so với tết những năm trước, với tổng số hơn 90 lượt gọi/7 ngày. 

Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm quy định nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông. 

Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được người có trách nhiệm trả lời trực tiếp tới người dân. Những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. CSGT các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban ATGT Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách. 

Lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe thu phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến. Cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe.

Mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm, tình hình ATGT đã được đảm bảo hơn so với năm ngoái, song lãnh đạo Ủy ban ATGT cũng nhìn nhận, trong 7 ngày nghỉ Tết đã xảy ra 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 10 người chết và 3 người bị thương. Nguyên nhân trực tiếp của các vụ tai nạn này là do vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ. 

Bên cạnh đó vẫn tồn tại tình trạng sử dụng xe đăng ký kinh doanh hợp đồng để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, nhằm vào đối tượng khách đón xe dọc đường, không kê khai, không đăng ký giá vé, thu tiền trực tiếp của hành khách với mức giá tuỳ tiện, không có chứng từ, không có bảo hiểm, trái quy định pháp luật. 

Một số trường hợp doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải chưa thực hiện đầy đủ quy định vận chuyển hành khách từ vùng dịch tới vùng dịch (trường hợp vận chuyển hành khách từ Quảng Ninh và Hải Dương về Điện Biên), có thể phát sinh rủi ro lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng qua hoạt động vận chuyển hành khách.

Để bảo đảm trật tự ATGT và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT và phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thực hiện nghiêm “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy và thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Đề nghị người dân, người tham gia giao thông phản ánh kịp thời qua điện thoại đường dây nóng về tình hình ùn tắc giao thông, các nguy cơ gây TNGT về hạ tầng, phương tiện, những hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT và phòng chống dịch COVID-19 của người điều khiển phương tiện vận tải công cộng, đơn vị kinh doanh vận tải. 

Yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng… và các đơn vị kinh doanh vận tải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống COVID-19, thực hiện ghi nhận, cung cấp thông tin về hoạt động của phương tiện, hành khách tham gia giao thông theo quy định pháp luật.

Đặng Nhật
.
.
.