Giao thông cuối năm: Phương tiện gia tăng, ùn tắc khó tránh

Thứ Ba, 24/12/2019, 08:38
Hà Nội đang bước vào dịp cao điểm cuối năm, ùn tắc giao thông (UTGT) có nguy cơ xảy ra trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường cửa ngõ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này là tình trạng gia tăng phương tiện nhanh chóng trong khi hạ tầng vẫn ngổn ngang các dự án, cùng đó là ý thức của người dân còn chưa cao, xe khách liên tỉnh (XKLT), xe khách “trá hình” vi phạm luật vẫn tái diễn…


27.000 phương tiện đăng ký mới trong tháng

Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, trong tháng 12 trên toàn thành phố Hà Nội có 27.184 phương tiện đăng ký mới (tăng 1.000 phương tiện so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, có 6.830 ôtô (tăng 969 trường hợp); 19.485 xe môtô (tăng 250 phương tiện); 869 xe máy điện (giảm 218 phương tiện).

Cùng với việc đăng ký mới, lực lượng CSGT Hà Nội cũng đã hoàn tất các thủ tục đổi biển, sang tên, chuyển đến chuyển đi của hơn 7.000 phương tiện. Như vậy, tính đến thời điểm này, hiện CSGT Hà Nội đang quản lý khoảng 6,9 triệu phương tiện, trong đó có 787.000 ôtô và gần 6 triệu môtô; 158.000 xe máy điện, 202 xe xích lô…
Giao thông hỗn hợp là một trong những nguyên nhân dễ gây ùn tắc.

Đánh giá về gia tăng xe cá nhân tại Thủ đô, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, phương tiện giao thông được chia làm 3 nhóm, gồm xe cá nhân để người dân sử dụng đi lại (gồm ô tô, xe máy); xe taxi chở khách; xe ba, bốn bánh được hoán cải để chở hàng. Với phương tiện cá nhân người dân sử dụng để đi lại, ông Liên nêu thực tế, ngoài đi lại tự do, người dân có thể mua mới, đăng ký, sử dụng bất kỳ đâu.

Tìm hiểu sự gia tăng phương tiện trên địa bàn Hà Nội những năm qua, ông Liên khẳng định đang có sự phát triển với tốc độ kỷ lục. Cụ thể, cuối năm 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185 nghìn ôtô, nhưng chỉ sau 10 năm phát triển, con số này đến hết năm 2017 đã là 6 triệu phương tiện, tức là tăng gần 3 lần.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm khoảng 27 nghìn ôtô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông. Với taxi và xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ, từ năm 2012, Hà Nội đã dừng gia tăng số lượng phương tiện mới. Tại thời điểm dừng, số lượng taxi trên địa bàn Hà Nội là 17.400 chiếc, tuy nhiên con số taxi thực tế được thống kê hiện nay là 20.000 xe.

Cùng với đó, số lượng xe chở khách dưới 9 chỗ tham gia loại hình taxi công nghệ hiện đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu lên đến 21.800 xe. Như vậy số lượng xe taxi và phương tiện hoạt động như taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay là 41.800 xe chứ không phải 17.400 xe!

Trong khi biện pháp hạn chế, chặn đà tăng trưởng của xe cá nhân chưa thực hiện được theo lộ trình, một thực tế ngược lại đang diễn ra tại Thủ đô là lượng ôtô, xe máy tiếp tục gia tăng chóng mặt. Hạ tầng vốn đã chật hẹp, ách tắc nay mỗi tháng lòng đường Hà Nội còn bị “nhồi” thêm 27 nghìn ôtô, xe máy khiến cảnh ùn tắc càng trở nên bức bối, ngột ngạt.

Chưa dừng lại, qua khảo sát, cả Sở GTVT và Phòng CSGT Hà Nội đều nhận định: “Mật độ phương tiện giao thông tăng cao trên các tuyến đường, nhất là các khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị, trung tâm thương mại là nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc”.

Diện tích chiếm dụng của phương tiện gấp 3 lần so với diện tích mặt đường

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày một người dân Hà Nội bị ùn tắc giao thông từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng. Nhiều tuyến giao thông tình trạng ùn ứ đã trở thành căn bệnh trầm kha. Tuyến ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Chùa Láng là một ví dụ. Tại đây, mật độ giao thông thường xuyên có biểu hiện tăng đột biến ở khung giờ cao điểm.

Theo tìm hiểu, tuyến đường Chùa Láng có 2 trường đại học, tập trung đông sinh viên nên lượng phương tiện di chuyển ra vào khá đông đúc. Thêm việc ôtô hay các phương tiện từ trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh đi ra càng làm cho tình hình nút giao thông ở đây thêm phức tạp. Tình trạng giao thông ùn ứ cũng thường xuyên tái diễn trên các trục giao thông khác như: Tố Hữu – Lê Văn Lương; Nguyễn Trãi…

Có một điểm đáng chú ý là, không ít trục đường dù diện tích mặt đường lớn song tình cảnh “chen chân” vẫn không mấy được cải thiện. Trục đường Giải Phóng là ví dụ. Theo ghi nhận, trục giao thông này có diện tích mặt đường khoảng 37m, do đóng vai trò “xương sống” kết nối với nội thành nên lượng phương tiện lưu thông qua đây luôn có tần suất cao.

Đáng nói, vào khung giờ cao điểm, giao thông trên tuyến này luôn trong tình trạng căng thẳng, các phương tiện lưu thông khá khó khăn. Tương tự, tại trục đường Trần Phú (Hà Đông) hướng đi Ngã Tư Sở, diện tích mặt đường lớn song vào khung giờ cao điểm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Tại đây, từ 7h – 8h và 16h30 – 18h, các phương tiện thường xuyên phải đan xen nhau, nhích từng mét một để lưu thông.

Có một điểm chung ở các cung đường kể trên là hình thức tổ chức giao thông được triển khai hỗn hợp. Nghĩa là, xe máy đi chung làn với ôtô, xe buýt, làn riêng cho xe buýt gần như không có. Hạ tầng hạn chế, lượng phương tiện đổ dồn cục bộ nên để các phương tiện không bị ách tắc, các chiến sỹ Cảnh sát giao thông thường xuyên phải căng mình điều tiết.

Nhìn nhận về thực trạng giao thông, các chuyên gia cho rằng, nếu thành phố cứ để các phương tiện giao thông cá nhân phát triển tự phát như hiện nay thì ngay “mốc” năm 2020, Hà Nội sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng, bởi diện tích chiếm dụng của phương tiện gấp 3 lần so với diện tích mặt đường, riêng khu vực trung tâm thành phố sẽ gấp 4,5 lần. Ðến năm 2025 và 2030, các tuyến đường trong khu vực nội đô sẽ bị quá tải 7,5 lần và 10,5 lần. Lúc đó, các phương tiện tham gia giao thông không thể di chuyển được nữa.

UBND TP Hà Nội cho biết các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đang giảm dần qua các năm. Đến cuối năm 2015, Hà Nội có 44 điểm ùn tắc giao thông thì năm 2016 còn 41 điểm (xử lý được 20 điểm, phát sinh mới 17 điểm).

Năm 2017 còn 37 điểm ùn tắc (xử lý được 17 điểm, phát sinh mới 13 điểm).

 Năm 2018, TP Hà Nội còn 33 điểm sau khi đã xử lý được 12 điểm và để phát sinh thêm 8 điểm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, TP đã xử lý được 6 điểm nên số điểm ùn tắc hiện chỉ còn 27 điểm. Nguyên nhân vẫn còn điểm ùn tắc được UBND TP Hà Nội cho là do lưu lượng giao thông tăng nhanh, số điểm ùn tắc mới phát sinh nhiều, cần tiếp tục xử lý để đạt mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Phạm Huyền
.
.
.