Giải pháp nào thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển?

Thứ Tư, 25/09/2019, 20:38
Có lịch sử hơn 130 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, thế nhưng ngành đường sắt hiện đang trở nên tụt hậu so với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đường sắt hiện đang ngổn ngang những vấn đề cần phải tháo gỡ…


Chiều 25-9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: nút thắt và giải pháp”. Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm gồm: ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, ông Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: nút thắt và giải pháp” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.

Chương trình nhằm chia sẻ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá những khó khăn thách thức, những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng của ngành đường sắt. Qua đó tìm ra các giải pháp cần tháo gỡ để đưa tiềm năng thế mạnh trong vận tải đường sắt thực sự đi vào cuộc sống.

Trong suốt chiều dài lịch sử, hệ thống đường sắt Việt Nam đã nối liền các khu dân cư, trung tâm văn hóa nông nghiệp và công nghiệp suốt từ Bắc vào Nam. Ngành Đường sắt từng có thời kỳ “hoàng kim” nhưng càng về sau, đường sắt càng “hụt hơi” so với các loại hình vận tải khác, dẫn tới trì trệ, lạc hậu... Trong khi các phương thức vận tải khác ngày càng có những bước nhảy vọt, thì ngành Đường sắt hoàn toàn đứng ngoài cuộc...

Những năm gần đây, tuy dịch vụ vận tải đường sắt đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận như: tỷ lệ tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt gần 99%, đến đúng giờ đạt gần 90%; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bán vé được triển khai hiệu quả; khả năng tự đóng mới toa xe, lắp ráp đầu máy dần được nâng cao;… nhưng với lịch sử hơn 130 năm thì hiện trạng kết cấu hạ tầng đường sắt già nua đang còn đó những khó khăn, ẩn họa.

Với 1.518 đường ngang và 4.040 lối đi tự mở hiện có trên các tuyến đường sắt quốc gia thì trung bình cứ 1 km đường sắt có 2,2 giao cắt cùng mức với đường bộ (theo thống kê, gần 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các vị trí này). Cùng với đó là tình trạng hành lang an toàn tuyến đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng.

Nếu như vào năm 1995, khối lượng vận chuyển của đường sắt chiếm 8,8% tổng lượng luân chuyển hành khách và chiếm 5,7% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành giao thông vận tải thì tới năm 2018, thị phần đường sắt cả hàng hóa và hành khách chỉ còn dưới 2%. Đây là một con số rất đáng báo động đối với phương thức vận tải truyền thống này.

Năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), quy định rõ những chính sách của Nhà nước để phát triển đường sắt trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước…

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2018/NĐ-CP, Nghị định số 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

V.Cường
.
.
.