Giải pháp chống ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Năm, 27/09/2018, 09:41
Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất vừa được Bộ GTVT phê duyệt, sẽ có thêm nhiều đường kết nối sân bay cả dưới đất và trên cao. 

Theo báo cáo của đại diện Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất tại hội nghị chống ùn tắc giao thông vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, CHK luôn hoạt động trong tình trạng quá tải cả nhà ga hành khách lẫn sân đỗ tàu bay và giao thông công cộng. 

Trong 8 tháng đầu năm 2018, CHK đã khai thác đạt gần 24 triệu hành khách (tăng 7,73% so với cùng kỳ, đạt 64,08% kế hoạch năm) và 148.748 lượt chuyến bay (tăng 4,18% so với cùng, đạt 63,17% kế hoạch năm).

Việc hoàn thiện đường Phạm Văn Đồng (Bình Lợi – Tân Sơn) kết nối với đường Bạch Đằng, Hồng Hà mở rộng làm cho các tuyến Bạch Đằng, Hồng Hà, Trường Sơn thành đường trung chuyển, các phương tiện đổ dồn về khu vực này làm xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. 

Đầu đường Cộng Hòa luôn bị ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, xung quanh khu vực sân bay có nhiều chung cư cao tầng và toà nhà văn phòng mới đi vào hoạt động, dẫn đến lượng cư dân, nhân viên tăng. Từ đó, phương tiện lưu thông cũng tăng theo, góp phần gây áp lực cho hạ tầng giao thông.

Việc kết nối giao thông thành phố với CHK hiện nay chỉ có 1 tuyến đường Trường Sơn với các nhánh đường kết nối như: Cộng Hoà – Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng – Hồng Hà. Mặc dù đã có cầu vượt nhưng hàng ngày đường Trường Sơn ra công viên Hoàng Văn Thụ - Lăng Cha Cả thường xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là các giờ cao điểm.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 34 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. 

Để khắc phục tình trạng này, ngày 3-7-2017, cầu vượt đường Trường Sơn được đưa vào hoạt động, giao thông tại cửa ngõ vào CHK đã ít xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, lại xảy ra ùn tắc đoạn đường Trường Sơn giáp với cầu vượt Cộng Hoà – Hoàng Văn Thụ.

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và quá tải tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 31-8-2018 Bộ GTVT ban hành Quyết định số 1942/QĐ – BGTVT về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Ngoài các hạng mục điều chỉnh quy hoạch chi tiết như khu bay, đường lăn, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… thì giao thông nội bộ và các trục kết nối với CHK Tân Sơn Nhất cũng được đưa vào bản quy hoạch chi tiết.

Về giao thông, hệ thống đường trục ra vào CHK Tân Sơn Nhất sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu; quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (qua đường Phan Thúc Duyện, đường 18E, đường C2 và đường C12) với quy mô từ 4 - 6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe; mở rộng đường 18E với quy mô từ 4 - 6 làn xe. 

Nghiên cứu quy hoạch bổ sung cầu vượt trên cao đoạn từ đường Phan Thúc Duyện (đoạn từ công viên Hoàng Văn Thụ) qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm thành phố đến nhà ga hành khách T3.

Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch bổ sung tuyến đường trên cao từ cuối sảnh nhà ga quốc tế T2, qua nhà ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh đi qua công viên Hoàng Văn Thụ xuống đường Hoàng Văn Thụ; nghiên cứu quy hoạch bổ sung nút giao khác giữa tuyến đường trục nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với đường Cộng Hòa, Trường Chinh.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty tư vấn thiết kế Ngô Viết, cho rằng quy hoạch này mới giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được phần gốc. Phần ngọn là mới giải quyết được từ sân bay ra đường Cộng Hoà, phần gốc là đường Cộng Hoà thường xuyên ùn tắc nên không thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu thông của 50 triệu hành khách như dự kiến. 

Sân bay Tân Sơn Nhất đang phục vụ cho cả một vùng đô thị nên kết nối giao thông là phải cho cả vùng đô thị. Do đó, gói kết nối này phải nằm trong gói mở rộng sân bay. 

Nghĩa là khi mở rộng sân bay phải kết nối vùng thật tốt mới hoạt động được, chứ chỉ mở thêm cổng ra vào sân bay thì không giải quyết được vấn đề lâu dài.

Cùng ý kiến với KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông bày tỏ với quy hoạch mà Bộ GTVT duyệt, hành khách qua các nhà ga phía Nam sân bay để ra đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ vốn thường rất đông xe cộ thì nguy cơ tiếp tục gây ùn tắc giao thông khu vực phía Nam. 

Khách đến sân bay không chỉ là người dân từ trung tâm TP Hồ Chí Minh mà còn từ các vùng ngoại thành và các tỉnh khác, nên nếu chỉ kết nối giao thông khu vực phía Nam thì hành khách vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm, sẽ làm tăng tình trạng ùn tắc giao thông. 

Các chuyên gia cho rằng cần đầu tư hệ thống giao thông công cộng nối từ sân bay ra các hướng. 

Có thể xây dựng hệ thống tàu điện chạy các trục đường xung quanh sân bay hoặc tăng cường xe buýt đưa khách từ sân bay ra các bến bên ngoài và đưa khách từ các bến vào ga, hạn chế xe cá nhân đưa đón khách tại sân bay.

Nhân Sơn
.
.
.