Dự án xe buýt nhanh... ì ạch thành xe buýt ưu tiên

Thứ Bảy, 10/12/2016, 10:12
Nếu đúng như dự kiến thì chỉ chưa đầy 1 tuần nữa tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên của Thủ đô Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành. Với số vốn hơn 1.000 tỷ từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới, chậm tiến độ hơn 1 năm, nay lại được đổi tên thành “xe buýt ưu tiên”, dư luận đang nóng lòng ngóng chờ dự án xe buýt nhanh sẽ góp phần thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội như thế nào? 


Dự án xe buýt nhanh bao gồm 21 nhà chờ dọc theo lộ trình từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa với số tiền đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/nhà chờ. Đến thời điểm này, qua quan sát của chúng tôi, tại một số nhà chờ, đơn vị đầu tư đã tổ chức lắp đặt, sửa chữa một số hạng mục như lắp đèn tín hiệu, nâng cấp đường dẫn từ cầu vượt vào nhà chờ...

Tuy nhiên, hầu hết các nhà chờ xe buýt vẫn đang trong tình trạng “phủ bụi” nằm bên đường. Thành nhà chờ được ghép bằng những tấm thép nhưng không ít trong đó đã bị hoen gỉ. Những cây cầu vượt dành cho khách đi xe buýt nhanh từ hai bên đường với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng/cầu phủ bụi chứa đầy rác. Mặc dù chưa phục vụ cho hành khách đi buýt nhanh nhưng người dân hai bên đường đã “vô tư” sử dụng như một chiếc cầu bộ hành để đi sang đường.

Một nhà chờ của tuyến xe buýt vẫn đang phủ bụi hỏng hóc và xuống cấp mà chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Tuyến xe buýt nhanh có chiều dài hơn 14km với lộ trình Bến xe Kim Mã-Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương-Tố Hữu-Lê Trọng Tấn-Ba La-Bến xe Yên Nghĩa. Theo khảo sát của chúng tôi, một số tuyến phố có xe buýt nhanh đi qua trong lộ trình như Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện rất đông và thường xảy ra ùn ứ thậm chí là ùn tắc giao thông.

Có mặt lúc 5h30 ngày 8-12 tại phố Láng Hạ, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là xe buýt thường, xe ôtô cá nhân, xe máy đan xen ken đặc trên đường. Phố Lê Văn Lương, các phương tiện nuối đuôi nhau di chuyển rất chậm. Nhiều người điều khiển xe máy đã lao cả lên vỉa hè đường Láng Hạ, Lê Văn Lương để tránh dòng phương tiện đang ùn tắc dưới lòng đường.

Lưu lượng phương tiện ngày một tăng cao, hạ tầng giao thông đô thị thì chưa mở rộng, nếu xe buýt nhanh được đưa vào sử dụng với kích thước 12,2m x2,5m, sức chứa 90 hành khách, không gian còn lại dành cho các phương tiện khác là rất nhỏ hẹp. Không những vậy, hiện nay, dọc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương và Tố Hữu, số lượng nhà chung cư, nhà cao tầng đang liên tục mọc lên.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi làm về nhà dọc theo tuyến Láng Hạ, Lê Văn Lương và Tố  Hữu. Tôi cũng rất kỳ vọng vào việc thành công của dự án xe buýt nhanh này. Tuy nhiên, qua quan sát, tôi vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tiến độ và cách thức vận hành của tuyến xe buýt này”.

Liên quan đến dự án xe buýt nhanh, đến thời điểm này, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, hiện Sở đang xin ý kiến của TP Hà Nội đưa tuyến buýt nhanh vào hoạt động từ ngày 15-12 tới. Để chuẩn bị đưa tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động, Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã thành lập Xí nghiệp Xe buýt nhanh để trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội. 

Hiện nay, Tổng Công ty đang hoàn thiện mô hình tổ chức và tuyển dụng bộ máy nhân sự điều hành và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến buýt nhanh. Lãnh đạo Sở cũng thừa nhận, mặc dù tên gọi là tuyến buýt nhanh, nhưng mô hình của Hà Nội đang làm chưa thể gọi theo tên này mà chỉ có thể gọi là xe buýt ưu tiên vì chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động.

Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án tổ chức vận hành tuyến xe này với tần suất 5 phút/chuyến, từ Kim Mã đến Yên Nghĩa đi hết từ 40 đến 45 phút (khoảng 14km). Để đạt được tốc độ và tần suất trên, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra 3 giải pháp ưu tiên cho xe buýt này hoạt động gồm: Có đèn tín hiệu giao thông ưu tiên khi qua nút giao; ở một số tuyến có đường ra vào, sẽ bịt lại để ưu tiên hoàn toàn cho xe buýt nhanh; hạn chế bớt xe ôtô và đặc biệt là taxi, ôtô không cần thiết đi vào tuyến này.

Về nguyên tắc, các phương tiện thấy có xe buýt nhanh vào thì phải đi ra chỗ khác. Người tham gia giao thông phải có ý nhường cho xe buýt.

Tuyến xe buýt nhanh (hệ thống vận tải công cộng bằng các loại xe buýt có khối lượng vận chuyển hành khách lớn) Kim Mã - Yên Nghĩa được TP Hà Nội khởi công đầu năm 2013 với kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho giao thông Thủ đô, góp phần hiện đại hóa giao thông đô thị và giảm ùn tắc. Tuy nhiên, với số tiền đầu tư khủng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, nhiều lần gia hạn tiến độ, người dân Hà Nội đang nóng lòng chờ đợi xe buýt nhanh sẽ vận hành như thế nào?

Nguyễn Hương
.
.
.