Dự án đường sắt Yên Viên-Ngọc Hồi: Vẫn “ì ạch” sau 9 năm trễ hẹn

Thứ Ba, 21/11/2017, 08:31
Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1 gồm đoạn tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát-Gia Lâm và tổ hợp Ngọc Hồi, từng được phê duyệt thời gian thực hiện từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2017. Thế nhưng, sau 9 năm, đến nay chưa có gói thầu thi công xây lắp nào được đấu thầu.


Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại phê duyệt điều chỉnh, dự kiến sẽ đưa dự án vào thực hiện cuối năm 2017, hoàn thành năm 2024. Tuy nhiên, dự án lại đang trong cảnh “ì ạch” vì  gặp khó về vốn và giải phóng mặt bằng.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với đại diện là Ban quản lý dự án đường sắt. Năm 2008, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư ban đầu là 19.460 tỷ đồng. Đến nay, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư đã được rút xuống còn 19.046 tỷ đồng. 

Mô hình tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Với mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh khu tổ hợp Ngọc Hồi là đầu mối phía Nam của đường sắt quốc gia theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần cải thiện tình trạng giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội và nâng cao năng lực khai thác của đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm phục vụ chạy tàu khách Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.

Mục tiêu là thế, song sau 9 năm, cho đến nay, Dự án vẫn trì trệ. Thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã thực hiện từ năm 2009 đến nay, hiện đang tập trung ưu tiên cho Tổ hợp Ngọc Hồi. 

Diện tích đất đã thu hồi khoảng 34,8ha/191 ha và đã kê khai, kiểm đếm, phê duyệt phương án đền bù là 588/4241 hộ, đã xây dựng hoàn thành 1 khu tái định cư tại xã Liên Linh. Tổng kinh phí bồi thường GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật là 2.310,58 tỷ đồng. 

Với diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư, các khu tái định cư còn lại đang được địa phương tiến hành các thủ tục lập dự án đầu tư, quyết tâm triển khai để hoàn thành vào năm 2020, nhưng tiến độ rất chậm do vốn GPMB bố trí cho dự án hằng năm rất hạn hẹp. 

Bên cạnh việc thiếu vốn GPMB, nhiều gói thầu tư vấn chính của dự án cũng bị tạm dừng. 

Cụ thể, gói thầu lập thiết kế kỹ thuật cho dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam đang bị tạm dừng (do vụ việc liên quan đến Công ty JTC, nên toàn bộ công tác thiết kế kỹ thuật bị tạm dừng từ tháng 4-2014 đến nay). 

Việc này cũng dẫn đến các gói thầu hỗ trợ sử dụng vốn đối ứng của Việt Nam cũng phải tạm dừng, gồm thẩm tra dự toán thiết kế kỹ thuật, cắm cọc GPMB, giám sát khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ… 

Chưa dừng lại, các gói thầu thi công chính của dự án cũng chưa thể triển khai đấu thầu do ảnh hưởng của việc tạm dừng của gói thầu lập thiết kế kỹ thuật cho dự án. 

Mô hình một tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội.

Thẳng thắn nói về những khó khăn, vướng mắc, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng, việc bố trí kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ cho công tác GPMB của dự án bị hạn chế, từ năm 2009 đến 2016 dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng và theo kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 là 512 tỷ đồng, nhưng với tổng nhu cầu vốn cho GPMB là 2.310 tỷ đồng thì khả năng hoàn thành công tác GPMB vào năm 2020 như yêu cầu là khó đạt được. 

Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung thêm 1.410 tỷ đồng vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án, Ban quản lý dự án đường sắt kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chỉ đạo báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, Bộ GTVT đã có quyết định về công tác GPMB dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1 phải hoàn thành trước năm 2019 để triển khai thi công xây lắp (bắt đầu từ 2018, hoàn thành năm 2024). 

Theo quyết định này, kinh phí để thực hiện hoàn thành công tác GPMB cho khu tổ hợp Ngọc Hồi là 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1 chỉ có thể khởi công vào cuối năm 2018 khi vốn đối ứng dành cho công tác GPMB được bố trí theo đúng kế hoạch. 

Tại các buổi làm việc với đoàn giám sát dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa qua, phía JICA yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bố trí vốn để hoàn thành được tối thiểu 50% khối lượng GPMB cho khu tổ hợp Ngọc Hồi thì JICA mới phê duyệt hồ sơ mời thầu và chấp thuận cho phép thực hiện công tác đấu thầu dự án. Theo tiến độ dự án, đến tháng 10-2018 sẽ kết thúc chấm thầu, do đó đòi hỏi công tác GPMB 95ha phải hoàn thành, nhằm tiến hành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu để khởi công vào cuối năm 2018. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, năm 2017 do mới được bố trí 15 tỷ đồng nên chưa phê duyệt được hết phương án GPMB theo quy định. Các hộ dân có đất bị thu hồi rất đồng thuận với chủ trương thu hồi đất và sẵn sàng nhận tiền bồi thường hỗ trợ bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. 

Để tránh phát sinh, khiếu kiện, tăng chí phí bồi thường GPMB, huyện Thanh Trì đề nghị bổ sung vốn là 235 tỷ đồng cho công tác này trước ngày 15-11-2017. Nếu sau ngày 15-11-2017, dự án mới được giao vốn thì công tác chi trả tiền đền bù, GPMB sẽ phải kéo dài sang quý II-2018.

Đặng Nhật
.
.
.