Sử dụng giấy phép lái xe giả:

Đối phó với cơ quan chức năng hay “thờ ơ” với tính mạng của mình?

Thứ Sáu, 12/08/2016, 07:33
Chỉ tính riêng hai địa phương Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay đã có gần 1.000 giấy phép lái xe (GPLX) giả được phát hiện. Điều đáng nói, dù biết học luật, học kỹ năng thi lái xe vừa là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh, thế nhưng không ít người vẫn “liều” đi mua GPLX giả, coi thường tính mạng mình, cũng như coi thường pháp luật.

Ngày 11-8, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, vừa qua, chỉ trong 1 ngày, Đội CSGT số 6 đã liên tiếp phát hiện tới 3 trường hợp người điều khiển môtô sử dụng GPLX giả.

Cụ thể, chiều ngày 7-8, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 6 thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ huy điều khiển giao thông tại ngã tư Xuân Thuỷ - Trần Thái Tông, thì phát hiện một thanh niên điều kiển xe môtô BKS: 29C1 - 071.29 vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Ngay sau khi dừng phương tiện để kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện GPLX của người này không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Qua đấu tranh, lái xe khai là Chu Tuấn Anh (SN 1994. Thường trú ở Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội). Mấy năm trước, vì ngại đi thi bằng lái xe, nên đã mua giấy phép này với giá 700 nghìn đồng.

Phát hiện nhiều GPLX giả qua việc cấp đổi GPLX mới.

Cũng trong khoảng thời gian trên, một tổ công tác khác của Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu, tiến hành kiểm tra nam thanh niên điều kiển xe môtô BKS: 24V1 - 1237 vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Lái xe là Vũ Việt Khoa (SN 1993; thường trú tại Trấn Yên, Yên Bái), xuất trình giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, tổ công tác cũng xác định GPLX của anh Khoa cũng không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Người này cho hay, qua bạn bè giới thiệu cũng đã mua giấy phép trên với giá 700.000 đồng. Trước đó, sáng cùng ngày, Đội CSGT số 6 phát hiện lái xe Nguyễn Văn Sơn (SN 1975; HKTT: Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định) điều kiển xe môtô BKS: 29X1 - 079.18 cũng sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Lái xe này cũng tường trình, vì biết không mấy khi CSGT hỏi đến bằng, lại "ngại" đi thi,  nên đã liều mua giấy phép lái xe từ người khác. Ba trường hợp trên chỉ là con số nhỏ, song trong một ngày thì có thể thấy việc dùng GPLX giả của người để “đối phó” với lực lượng chức năng không phải là ít. Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, qua tuần tra kiểm soát các phương tiện vi phạm giao thông, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 100 trường hợp sử dụng GPLX giả.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng sử dụng GPLX giả cũng phức tạp không kém. Đại diện Sở GTVT Hồ Chí Minh thông tin, qua khảo sát của Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, từ đầu năm 2016 đến nay đã phát hiện 719 GPLX giả. Trong đó, hơn 50% giả GPLX xe gắn máy, còn lại GPLX giả xe tải nặng, xe chở khách trên 30 chỗ ngồi. Đồng thời, từ việc cấp đổi GPLX bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu PET (thẻ nhựa), phòng đã phát hiện có 627 GPLX giả. Trong đó 96% giả GPLX xe gắn máy, còn lại giả các hạng bằng lái xe ôtô khác.

Theo Phòng Quản lý sát hạch và GPLX, theo qui định sau khi bị lập biên bản người sử dụng GPLX giả bị cấm thi lấy GPLX trong 5 năm. Nhưng đến nay ở TP Hồ Chí Minh chưa có trường hợp nào bị cấm thi, vì sau khi bị phát hiện nhiều người đã bỏ luôn GPLX giả, nên Sở GTVT không có cơ sở ra quyết định cấm thi GPLX.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thắng Quân,Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo thống kê gần đây nhất, thì có khoảng 3.000 GPLX giả đã được phát hiện, thông qua công tác đổi GPLX. Không biết là do thi khó, hay nhiều người bị lừa nữa, mà cao điểm có tỉnh từng phát hiện hàng trăm trường hợp trong một ngày.

Ông Nguyễn Thắng Quân cho biết thêm, phần lớn giấy phép lái xe giả tập trung ở khu vực phía Nam. "Không chỉ giấy phép lái xe bằng vật liệu cũ bị làm giả, chúng tôi còn phát hiện cả giấy phép lái xe giả bằng vật liệu mới (PET)", ông Quân cho biết.

Để giải quyết tình trạng này, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Bộ GTVT cung cấp cho lực lượng Thanh tra và CSGT trên cả nước 1.000 kính soi chiếu ảnh để phát hiện giấy phép lái xe giả. Ngoài ra, Tổng cục sẽ cung cấp thêm hồ sơ, dữ liệu liên quan cho các Sở Giao thông, thông qua phần mềm quản lý chung và tăng cường đào tạo kỹ năng phát hiện giấy phép lái xe giả cho các chuyên viên tại các điểm cấp đổi.

Phạm Huyền
.
.
.