Doanh nghiệp vận tải than sẽ "chết" ở Bến Nước Ngầm

Thứ Tư, 01/03/2017, 18:52

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc đối thoại vào chiều 1-3, giữa lãnh đạo Bộ GTVT, UBNDTP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cùng đại diện các Sở GTVT các tỉnh liên quan với các doanh nghiệp (DN) vận tải phản đối lệnh điều chuyển từ bến Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.


Tại cuộc đối thoại, nhiều DN cho rằng, việc điều chuyển mà Sở GTVT áp dụng là vô cùng bất hợp lý. Mặc dù, đã thực hiện chủ trương một cách nghiêm túc, song qua hai tháng hoạt động tại bến mới, các DN đã phải chịu lỗ hàng trăm triệu, nếu cứ đà này, DN chỉ có nước “chết”. 

Đông đảo DN đến tham dự buổi đối thoại chiều 1-3 tại Sở GTVT Hà Nội

Đại diện tỉnh Thái Bình cho biết: ngay khi có lệnh điều chuyển, tất cả DN vận tải của tỉnh đang hoạt động tại Mỹ Đình thực hiện ngay. Nhưng sau 60 ngày, gặp nhiều khó khăn. Bến không có khách. Trước kia, tất cả các ngày lễ, tết các bến đều có khách, nhưng năm vừa qua tại Bến Nước Ngầm, mỗi lần xuất bến trên xe chỉ có 1-2 khách, nên hầu hết các DN gần như chạy xe rỗng. Vì thế mà tất cả các DN đều lỗ trong dịp Tết vừa rồi.  

Trong khi đó, ở Mỹ Đình xe dù hoạt động mạnh, người dân tiện đâu đi đấy, họ bắt xe ngoài đắt hơn một chút còn hơn đi xe buýt ra tận Nước Ngầm đón xe. “Tôi xin từ không làm nghề kinh doanh vận tải, nếu vị nào đó cho rằng có thể dùng xe buýt để điều chuyển người dân từ Mỹ Đình về Nước Ngầm thành công”.

Bức xúc hơn, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội ô tô tỉnh Nam Định nêu quan điểm: Trước mắt, hiệp hội ô tô vận tải tỉnh Nam Định  cũng thống nhất với việc điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội để giảm ùn tắc. Song tôi thấy việc điều chuyển chưa hợp lý, làm thiệt hại cho quá trình kinh doanh, mà vấn đề ùn tắc cũng không giải quyết được. 

Thực tế, 1 DN có 10 đầu xe điều chuyển trong vòng 2 tháng thì tháng thứ nhất thua 375 triệu đồng, tháng thứ 2 lỗ hơn 200 triệu đồng. DN đang rơi vào nguy cơ phá sản do việc điều chỉnh luồng tuyến gây ra. 

"Việc đẩy chúng tôi từ Mỹ Đình ra Nước Ngầm vì lý do giảm ùn tắc, là tôi chưa phục. Chủ trương của thành uỷ, của Thủ tướng là đúng. Thế nhưng phương pháp làm như thế nào mà không khổ cho việc đi lại của người dân, không phương hại đến DN vận tải, thì chưa làm được. Tôi đề nghị phải xem xét lại", ông Thạc nêu ý kiến. 

Đại diện DN phát biểu ý kiến

Sau khi nghe một vài DN phát biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đứng lên trả lời thắc mắc của các DN.

Thứ trưởng cho rằng, do quy hoạch chậm, nên đã dẫn đến việc quá tải ở bến Mỹ Đình. Từ đây cũng dẫn đến hàng loạt các tiêu cực như cò mồi, móc túi, xe dù, bến cóc... 

Thứ trưởng nhấn mạnh và đưa ra giải pháp: “Tới đây chúng tôi tạm ngừng cấp phép  xe hợp đồng. Giao Công an làm chặt vấn đề xe dù. Sẽ kiên quyết thu hồi phù hiệu nếu vi phạm. Giải quyết vấn đề này xem khách có về Nước Ngầm ngay không? Nếu vẫn chưa có khách, thì tiếp tục tìm nguyên nhân để giải quyết, như vẫn bán vé ở Mỹ Đình, rồi thiết kế xe đưa đón khách ra Nước Ngầm”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường hứa sẽ yêu cầu lực lượng thanh tra, công an vào cuộc giải quyết nạn "xe dù, bến cóc".

Không đồng tình với giải pháp và Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra, đại diện DN vận tải Thái Bình cho rằng, “DN chúng tôi mong muốn có lộ trình phát triển dần dần. Nguyện vọng của chúng tôi là đưa xe về bến Mỹ Đình, khi nào các điều kiện kết nối hoàn thiện thì chúng tôi sẽ đi về. 

Thứ hai là vấn đề xử lý xe hợp đồng bắt khách trá hình, các cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào? Nói rồi vị này thách đố: “Chúng tôi sẵn sàng đặt cọc 30 tỷ để lực lượng chức năng thổi bến Nước Ngầm lên, kéo khách về và xoá hết bến cóc xe dù”. 

Sau khi lên tiếng, vị đại diện này cũng thẳng thắn: “nếu không đồng ý để chúng tôi về Mỹ Đình, trước, kia sao Sở GTVT Hà Nội lại cấp phép cho chúng tôi. Nay bắt chúng tôi đi, 600 DN muốn bán xe, có ai mua lại không? Vì DN nào cũng phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh, cứ đà này chúng tôi chỉ chết. Ở Nước Ngầm không bao giờ có khách”.

Sau khi nghe ý kiến của các DN, đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ:  Hà Nội không bao giờ muốn DN kinh doanh thua lỗ, cũng không bao giờ muốn người dân khó khăn trong việc tìm phương tiện để đi.  Hà Nội hứa sẽ chỉ đạo Thanh tra giao thông, Công an thành phố, kiên quyết xử lý xe dù bến cóc dọc tuyến vành đai 3 tới bến Nước Ngầm. Những người tổ chức bến cóc sẽ phải bị xử lý theo pháp luật. Tiếp tục giao Tổng Công ty vận tải tiếp tục bố trí buýt kết nối giữa Mỹ Đình và Nước Ngầm với giá vé như bình thường. Giao Sở GTVT Hà Nội kiểm tra bến xe Nước Ngầm, rà soát việc thu phí bến xe theo đúng quy định...

Còn vấn đề quy hoạch bến xe, Hà Nội cố gắng trước năm 2019, bến xe Yên Sở sẽ được xây dựng thành công, để điều phối lại luồng tuyến. Kiên quyết mỗi tỉnh chỉ có một bến xe. Hà Nội sẵn sàng tiếp thu và lắng nghe ý kiến của tất cả các DN. Sẽ kiểm tra lại tất cả các thông tin của DN để phản ánh tới Thủ tướng một cách chính xác nhất. Còn kiến nghị quay trở lại Mỹ Đình, chúng tôi chỉ có thể trả lời sau chúng tôi báo cáo và khi nghe ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng. 

Đặng Nhật
.
.
.