Doanh nghiệp vận tải lơ là, đơn vị quản lý thiếu trách nhiệm

Thứ Tư, 05/02/2020, 08:37
Qua kiểm tra 12 đơn vị kinh doanh vận tải và 2 bến xe khách tại TP Hồ Chí Minh và Lào Cai, Bộ GTVT đã phát hiện hàng loạt tồn tại trong công tác kinh doanh vận tải, hoạt động của bến xe cũng như công tác quản lý của Sở GTVT.

Tính đến hết năm 2019, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đang quản lý 5.183 đơn vị kinh doanh vận tải và 4 bến xe ôtô khách. Sở GTVT-Xây dựng Lào Cai đang quản lý 2.733 đơn vị kinh doanh vận tải và 17 bến xe ôtô khách.

Tuy nhiên, qua kiểm tra 12 đơn vị kinh doanh vận tải và 2 bến xe khách tại hai tỉnh thành này, Bộ GTVT đã phát hiện hàng loạt tồn tại trong công tác kinh doanh vận tải, hoạt động của bến xe cũng như công tác quản lý của Sở GTVT.

Chưa quan tâm tới sức khoẻ lái xe khi tuyển dụng

Liên quan đến vấn đề phương tiện và quản lý phương tiện, sau khi kiểm tra 12 đơn vị kinh doanh thì Đoàn thanh tra Bộ GTVT phát hiện có tới 9/12 đơn vị không xây dựng kế hoạch bảo dưỡng phương tiện theo quy định; 5 đơn vị không lập hồ sơ lý lịch phương tiện hoặc phần mềm quản lý phương tiện theo quy định; 8 đơn vị không cập nhật hồ sơ lý lịch phương tiện, phần mềm quản lý phương tiện hoặc có cập nhật nhưng không đầy đủ nội dung, không đúng với thực tế hoạt động của phương tiện hoặc phần mềm quản lý phương tiện, hồ sơ lý lịch phương tiện không đủ nội dụng.

Thanh tra Giao thông vận tải đã chỉ ra những tồn tại ở bến xe Miền Đông trong việc quản lý hoạt động vận tải.

Đáng chú ý, nhiều đơn vị còn chưa quan tâm đến sức khoẻ lái xe. Cụ thể có Công ty Taxi Việt Nam (TP Hồ Chí Minh)  có 41 lái xe; Công ty TNHH MTV Thanh Thuỷ (Lào Cai) có 14 lái xe chưa được doanh nghiệp tổ chức khám sức khoẻ định kỳ. Cùng đó là 3 đơn vị không tổ chức khám sức khoẻ lái xe khi tuyển dụng theo đúng quy định như Công ty Taxi Việt Nam; Công ty TNHH MTV Huệ Nghĩa Limousine có 9 lái xe và Công ty TNHH DV Vận tải và thương mại Công Thành 1 lái xe.

Điều đáng lo lắng hơn, cả 12 đơn vị kinh doanh có một số lái xe có giấy khám sức khoẻ hoặc sổ khám sức khoẻ định kỳ không đúng mẫu hoặc không có nội dung xét nghiệm ma tuý hoặc không kết luận hạng xe đủ điều kiện lái hoặc không ghi thời gian khám hoặc không có dấu của cơ sở khám bệnh hoặc là bản photocopy theo quy định.

Không chỉ dừng lại ở việc “bơ” sức khoẻ lái xe, đoàn kiểm tra còn phát hiện 2 đơn vị sử dụng lao động kiểu thời vụ, không ký hợp đồng lao động; 6 đơn vị không cập nhật lý lịch hành nghề lái xe hoặc phần mềm quản lý lái xe của đơn vị; 8 đơn vị không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lái xe theo quy định như Công ty Taxi Việt Nam có 317 lái xe; Công ty TNHH MTV Huệ Nghĩa Limousine có 31 lái xe, HTX xe khách liên tỉnh du lịch và dịch vụ Thống Nhất có 809 lái xe, HTX VT Thái Bình có 150 lái xe, Công ty TNHH MTV Thanh Thuỷ có 79 lái xe…

Nhiều lái xe vi phạm thời gian lái liên tục và vi phạm tốc độ

Trong khi nguy cơ gây TNGT từ việc lái xe quá giờ và vi phạm tốc độ vẫn diễn biến phức tạp, tại nhiều doanh nghiệp ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Lào Cai vẫn coi nhẹ việc vi phạm của tài xế. 

Cụ thể, qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, Đoàn thanh tra phát hiện, 7 đơn vị có 128 xe người lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày xe hoạt động trong một tháng như Công ty Taxi Việt Nam, HTX XKLT DL&DV Thống Nhất, HTX vận tải Thái Bình…

3 đơn vị có 14 xe người lái có 5 lần vi phạm tốc độ trên 1000km xe chạy trong một tháng như Công ty TNHH DV và thương mại Tân Nam Chỉnh, HTX du lịch và dịch vụ Thồng Nhất có 11 xe, HTX vận tải Thái Bình có 2 xe; 4 đơn vị có 24 xe đã dừng hoạt động nhưng chưa nộp phù hiệu cho sở như Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Tân Nam (5 xe), Công ty CP Logistics NPL (TP Hồ Chí Minh) có 9 xe; Công ty TNHH MTV thương mại An Nghiệp có 8 phương tiện, Công ty TNHH MTV Thay Thuỷ (Lào Cai) có 2 phương tiện.

Không riêng gì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng, tại các bến xe khách ở Hồ CHí Minh và Lào Cai, sau khi Đoàn thanh tra vào cuộc đã phát hiện nhiều tồn tại khác.

Tại bến xe miền Đông, vạch sơn phân định giữa các vị trí đón trả khách không có hoặc mờ; thiết bị tra cứu thông tin tự động không sử dụng được; chưa được công bố công suất bến xe theo quy định…

Ở bến xe Trung tâm Lào Cai, không có thiết bị tra cứu thông tin tự động; chưa xây dựng phương pháp tính toán công suất cho bến xe theo quy định.

Thậm chí, kiểm tra xác suất 207 hồ sơ cấp phù hiệu xe tại Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và Lào Cai, Đoàn thanh tra nhận thấy các Sở cấp một số phù hiệu xe có thời hạn có giá trị của phù hiệu chưa đúng quy định; Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp một só phù hiệu xe có thời gian cấp phù hiệu chưa đúng quy định…

Kết luận của đoàn thanh tra cho rằng, nguyên nhân của các tồn tại nêu trên là do các Sở chưa thật sự chú trọng, quyết liệt thực hiện một số nội dung thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở, chưa thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách; các đơn vị kinh doanh vận tải, bế xe khách chưa quan tâm đúng mực trong việc thực hiện các quy định pháp luật chuyên ngành GTVT trong hoạt động vận tải. Để xảy ra những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc trách nhiệm của các Sở và trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Do đó, Đoàn thanh tra yêu cầu Sở GTVT Hồ Chí Minh tiến hành đối chiếu rà soát để đưa 22.316 phương tiện hiện Sở không còn quản lý ra khỏi hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; ban hành quy định cho phép sử dụng xe trung chuyển hành khách và phạm vi, thời gian hoạt động của xe trung chuyển trên địa bàn thành phố. Với tỉnh Lào Cai, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này thu hồi Quyết định số 139 của Sở về việc công bố đưa bến xe vào thai thác do công bố không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn nêu rõ trước 15-2-2020, hai sở nói trên phải tổ chức kiểm tra xác định nguyên nhân các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng không có thông báo hợp đồng vận chuyển khách tới Sở để xử lý, nếu cần thiết phải thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải.

Phạm Huyền
.
.
.