Đầu tư cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu:

Mỗi km đường “ngốn” 193,035 tỷ đồng quá cao so với quy định

Thứ Hai, 05/11/2018, 17:13

Đề xuất đầu tư cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu dài hơn 85km với 4 làn xe của tỉnh Sơn La có mức vốn lên tới gần 20.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mức đầu tư này cần được đánh giá lại vì quá cao, tương đương 193 tỷ đồng/km và phương án tài chính kém.


Cụ thể, cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu sẽ tiếp nối với cao tốc Hòa Lạc- Hòa Bình có chiều dài 85km. Quy mô hoàn thiện Dự án 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m. Trước mắt đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế (dải dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục; tốc độ thiết kế 80km/h, châm chước 60km/h đối với các đoạn qua địa hình khó khăn. Điểm đầu của Dự án thuộc địa phận xã Trung Minh, TP Hòa Bình; điểm cuối tại bản Muống, xã Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La. 

Theo tính toán của tỉnh Sơn La, dự án có tổng mức đầu tư 20.864 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư thực hiện hợp phần BOT được hoàn lại qua thu phí khoảng 15.864 tỷ đồng (76,04% tổng mức đầu tư Dự án); nguồn vốn đầu tư của tỉnh Sơn La và Hoà Bình tham gia bằng giá trị qũy đất qua hợp phần dự án BT khoảng 5.000 tỷ đồng (23,96% tổng mức đầu tư). Nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong 27 năm.

Trong đó, tỉnh Sơn La bố trí vốn đối ứng khoảng 4.100 tỷ đồng, tham gia dự kiến trả bằng quỹ đất (Hợp đồng BT) khoảng 3.840 tỷ đồng, tương đương diện tích đất khoảng 615-650ha (Khu đô thị Suối Hoa Vân Hồ, Khu du lịch trung tâm; Khu quần thể sân Golf,...). 

Tỉnh Hòa Bình bố trí vốn đối ứng khoảng 900 tỷ đồng, bao gồm: chi phí GPMB để có thể thực hiện các cam kết bàn giao mặt bằng sạch của tuyến đường trên địa phận tỉnh cho nhà đầu tư tổ chức thi công; giải phóng mặt bằng cho diện tích đất các dự án khác giao cho nhà đầu tư. Tổng diện tích đất dự kiến giao cho nhà đầu tư ở các dự án khác khoảng 300-350ha. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Sơn La, diện tích rừng và đất lâm nghiệp cần sử dụng để thực hiện Dự án là 149,44ha gồm: diện tích có rừng 128,02ha (rừng sản xuất 67,09ha; rừng phòng hộ 60,96ha) và diện tích không có rừng 21,42ha.

Đề xuất đầu tư xây cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu của tỉnh Sơn La nhận được nhiều đóng góp phải tính toán lại. (Ảnh minh hoạ)

Trước đề xuất mức vốn “khủng” cho dự án cao tốc này, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị tỉnh Sơn La cần phân tích sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; đồng thời cần bổ sung đánh giá tác động của Dự án đối với các dự án liên quan, như dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT. 

Bộ GTVT cũng cho rằng, tỉnh Sơn La chưa làm rõ lưu lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách trong khu vực; chưa làm rõ phân bổ lưu lượng xe đi QL6 và cao tốc. Do vậy, cần tính toán lại mức tăng trưởng cho phù hợp với thực tế tăng trưởng GDP của các tỉnh khu vực Tây Bắc. 

Ngoài ra, mức giá dịch vụ được tỉnh Sơn La đề xuất khởi điểm là 2.100 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Đây là mức giá  tối đa trong khung giá dịch vụ đường bộ được Bộ GTVT quy định. Tuy nhiên, hồ sơ trình Dự án tỉnh Sơn La đưa mức tăng là 12%/3 năm bị Bộ GTVT đánh giá là chưa phù hợp Luật Giá và Thông tư hiện nay.

Sau Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị tỉnh Sơn La cần rà soát, hạn chế tối đa việc sử dụng đất vào khu dân cư, đất trồng lúa năng suất cao, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đặc biệt là đất rừng tự nhiên, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. 

Cho ý kiến về dự án cao tốc này, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Sơn La cần đề nghị Bộ GTVT thực hiện thủ tục bổ sung tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

 Còn theo Bộ Tài chính, hiện nay Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT chưa được Chính phủ ban hành. Việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án làm cơ sở cho các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo cần lưu ý đối với việc sử dụng quỹ đất khoảng 615ha - 650ha của tỉnh Sơn La và 300 - 350ha của tỉnh Hòa Bình để thanh toán cho nhà đầu tư chỉ được xem xét khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT này được ban hành, có hiệu lực thi hành. 

“Hơn nữa, tính khả thi về mặt tài chính của Dự án còn phụ thuộc khả năng thực hiện hợp phần BT với các trách nhiệm của 2 tỉnh Sơn La, Hòa Bỉnh và chính sách của Nhà nước về thanh toán BT. Đây là các yếu tố rủi ro cần được tính đến trong Dự án”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Những đề xuất trên của các Bộ đã được tổng hợp lại cho bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ. Kết quả thẩm định Đề xuất dự án ĐTXD tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên tắc lập sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án không chính xác, đặc biệt là phần xác định khối lượng vì thiết kế trong giai đoạn này mới chỉ là thiết kế sơ bộ; suất vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của Dự án, với quy mô 4 làn hạn chế khoảng 193,035 tỷ đồng/km cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe tại Quyết định số 706/QĐ-BXD ngày 30-6-2017 của Bộ Xây dựng (122,49 tỷ đồng/km). 

Cũng theo đề xuất dự án, thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận của Dự án khoảng 26,83 năm. Tuy nhiên, thời gian cũng như khả năng thu hồi vốn còn phụ thuộc nhiều vào tổng vốn đầu tư dự án, nhu cầu vận tải, mức giá dịch vụ cũng như khả năng thực hiện hợp phần BT của hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình và chính sách của Nhà nước về thanh toán hợp đồng BT. 

N.Yến
.
.
.