Đã uống rượu, bia thì không cầm lái, dù vui Tết

Chủ Nhật, 30/12/2018, 22:53
Sử dụng rượu, bia vượt ngưỡng, điều khiển phương tiện trong tình trạng mặt đỏ ửng, dáng đi xiêu vẹo - “ma men” cầm lái này đã và đang trở thành nỗi lo không của riêng ai. Dịp Tết Dương lịch năm nay, người dân được nghỉ 4 ngày, đây cũng là thời điểm nhiều người tổ chức gặp mặt, liên hoan, đi chơi du lịch. Nỗi lo về “ma men” cầm lái lại canh cánh.

Có mặt tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) vào ngày đầu kỳ nghỉ Tết Dương lịch, chúng tôi chứng kiến các quán nhậu ở đây rất đông thực khách. Điều đáng nói, khi rời khỏi quán, đa số họ đều có hơi men mặt đỏ ửng. Điển hình như lúc 13h ngày 29-12, tại nhà hàng C.V, chúng tôi tận mắt thấy nhiều thực khách ở trong quán uống rượu rất hăng và khi lấy phương tiện ra về, họ cầm lái trong tình trạng say xỉn.

Thực tiễn cho thấy, vào các dịp nghỉ lễ, Tết, nhiều người vẫn thường có thói quen tổ chức gặp mặt, liên hoan. Tất nhiên trong những buổi liên hoan này không thể thiếu rượu – bia. Anh Quốc Trung, 35 tuổi, ở phường Ngọc Hà (quận Ba Đình – Hà Nội) khi đề cập đến vấn đề trên, thản nhiên nói: “Cuộc gặp mặt nhóm bạn của mình lần nào cũng phải “ngốn” vài lít rượu. Không có rượu, cuộc vui sẽ mất đi ý nghĩa(!)”.

Đây cũng là suy nghĩ của dân nhậu hiện nay. Có lẽ chính vì thế mà khi khảo sát ở một số tuyến phố tập trung đông quán nhậu ở tỉnh Quảng Ninh, TP Hà Nội, TP Hòa Bình vào những ngày này, dễ dàng thấy cảnh nhiều quán nhậu “hút” khách. 

Rượu – bia tác hại thế nào đối với tài xế và người tham gia giao thông? Các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập đến tác hại và hàng loạt hệ lụy do “ma men” cầm lái gây ra.

Đáng chú ý, đến Phòng Khám cấp cứu – Bệnh viện Việt Đức; Khoa Hồi sức ngoại – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) vào các dịp nghỉ lễ, Tết, chúng tôi thấy giật mình trước số ca TNGT phải nhập viện cấp cứu do bị chấn thương sọ não, đa chấn thương, nguyên nhân do trước đó sử dụng rượu, bia vượt ngưỡng rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng. Nhiều gia đình chỉ sau một đêm, phải ly tán người thân, bữa cơm thiếu đi thành viên trong gia đình. Cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn do TNGT, do “ma men” cầm lái gây ra.

Không chỉ chuốc họa vào thân, nhiều “ma men” cầm lái còn gây họa cho người tham gia giao thông xung quanh, khi “chân phanh thành chân ga”. Cách đây không lâu, khoảng 18h10, ngày 18-12, chị Nguyễn Thu T (SN 1989, ở quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) trong lúc điều khiển xe ôtô mang BKS 29A-74.27x đã gây tai nạn liên hoàn trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ - Hà Nội).

Cán bộ CSGT, CSCĐ Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn người điểu khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hậu quả vụ tai nạn khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của chị T và cho kết quả “chị T vi phạm nồng độ cồn”. Vụ tai nạn trên thêm một lần nữa cảnh báo về hiện tượng “ma men” cầm lái trên phố. Nỗi lo này đang trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông.

Ngày 29-12, trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT – Công an tỉnh Hòa Bình cũng tỏ ra lo lắng trước hiện tượng nhiều người điều khiển phương tiện cơ giới đang bị rượu – bia lôi cuốn, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, Tết như hiện nay. Việc sử dụng rượu – bia rồi điều khiển xe ôtô, xe máy lưu thông trên đường là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra va chạm, TNGT.

Đặc biệt, đối với những cung đường đèo dốc, quanh co, TNGT xảy đến với “ma men” cầm lái là chuyện một sớm, một chiều. Do đó, bản thân mỗi tài xế cần nâng cao đạo đức người lái xe, có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh. Nói không với rượu – bia; đã uống rượu – bia thì không lái xe.

Dịp nghỉ Tết Dương lịch còn ở phía trước, để không “giỡn mặt” với tử thần, chúng ta cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đã uống rượu bia thì không lái xe. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng cần đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1-8-2016, sẽ phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng).

Và phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng).

Trần Huy
.
.
.