Có nên đánh đổi các dòng sông để giải bài toán giao thông?

Thứ Bảy, 05/10/2019, 23:02
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với các vụ cục liên quan, văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Sở GTVT Hà Nội về đề xuất “cống hoá” các con sông lớn để làm bãi đỗ xe, giảm tải ùn tắc trong nội đô của ông Mai Trọng Tuấn (đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Theo vị này, Hà Nội nên quy hoạch 2 khu vực để thiết lập những dàn đỗ xe thông minh (nổi) liên hoàn, có đủ chỗ để xe cho 20.000 đến 30.000 xe hơi cá nhân của khu vực trung tâm thành phố Hà Nội. Đề xuất này liệu có khả thi?

Ông Mai Trọng Tuấn cho rằng, những năm gần đây, người dân có điều kiện mua sắm xe ôtô riêng tăng cao, tạo nên sự bùng nổ về số lượng.

Các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội dù cố gắng đến mấy cũng không theo kịp sự phát triển nhu cầu xã hội, buộc lòng phải dùng mặt đường, thậm chí cả hè phố làm chỗ đỗ xe. Việc này là một nguyên nhân làm cho nạn ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, đồng thời mọc ra những “dịch vụ trông xe ở đường phố” có quy hoạch và tự do, phát sinh nhiều tiêu cực của lợi ích nhóm với nguồn thu không nhỏ.

Vì thế, thành phố Hà Nội cần xây dựng thêm các giàn đỗ xe nổi (dàn đỗ xe thông minh). Hà Nội đủ khả năng thiết lập 2 khu vực để lắp đặt những dàn xe thông minh, liên hoàn, có sức chứa chỗ đỗ cho 2 vạn tới 3 vạn xe ôtô cá nhân.

Cụ thể, khu vực thứ nhất là tận dụng không gian phía trên bề mặt các con sông gồm: Tô Lịch, sông Lũ, sông Sét, sông Kim Ngưu. 4 con sông này chạy từ phía Nam Hà Nội lên phía Tây qua các quận trung tâm, song song 2 bên đều có các con đường đã được mở rộng, tổng chiều dài khoảng 60km.

Các giàn đỗ xe nổi có thể được hình thành theo hướng bắc ngang qua các con sông này, lắp ở hai bên nối vào các con đường có sẵn, làm ngang hoặc có thể làm thấp hơn mặt đường. Chiều cao của các giàn đỗ xe khoảng 20m (từ 6-9 tầng), chiều rộng khoảng 18-20m.

Theo tính toán, nếu khoảng cách các giàn đỗ xe từ 500 - 1.000m/giàn (chiếm 1/60 diện tích mặt sông), Hà Nội có thể hình thành 120 giàn đỗ với sức chứa khoảng 14.400 xe ôtô. Nếu tận dụng tối đa và tăng tầng cho xe đỗ, có thể đạt số lượng nhiều gấp rưỡi.

Khu vực thứ hai được đề xuất là bãi giữa sông Hồng. Ông Tuấn cho rằng, hiện nay bãi giữa sông Hồng của Hà Nội ngày càng mở rộng về phía bờ Nam và không còn bị ngập.

Dòng sông ở Thủ đô còn là cảnh quan điều tiết khí hậu, môi trường và giao thông đường thủy.

Vì vậy, có thể lấy vị trí này để làm một hệ thống đỗ xe với các giàn đỗ nhiều tầng, giải quyết nhu cầu đỗ xe cho cư dân cả Hà Nội nhưng trước mắt chỉ cần phục vụ nhu cầu của các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Với phương án này, hệ thống giao thông kết nối cần làm là một số tuyến đường từ bờ đê xuống bãi đỗ và những cây cầu nhỏ.

Theo ông Tuấn, hình thành bãi đỗ xe ở hai khu vực trên sẽ giải quyết được một số vấn đề như:  Không cần đền bù, giải toả; việc thi công có thể tiến hành đồng loạt; Không chiếm diện tích đất của các quận trung tâm; Không ảnh hưởng đến nhu cầu thoát nước, thi công nhanh, tiết kiệm chi phí... nhưng hoạt động sẽ gặp khó khăn lớn nhất là tâm lý ngại đi bộ của người dân hiện nay.

Ngoài những lý do trên, vị này cũng lấy ví dụ như ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), tại những chung cư cao tầng, lúc đầu người chủ đầu tư bán 1 chỗ đỗ xe lâu dài 7 vạn nhân dân tệ, người mua chê đắt, không muốn mua. Chỉ 6 năm sau giá lên tới 14 vạn nhân dân tệ, mà không còn chỗ.

Vậy những hệ thống dàn đỗ xe cũng có thể cho thuê chỗ đỗ xe hoặc bán lâu dài. Nguồn thu nhập này đối với chủ đầu tư cũng là mảng đầu tư an toàn và chắc chắn có lãi bền vững, đồng thời cũng tạo được nguồn kinh phí không nhỏ cho Nhà nước đầu tư vào các dự án giao thông.

Liên quan đến đề xuất này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời điểm hiện tại, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ vào khoảng 8%, nhưng 80% trong số đó dành cho diện tích mặt đường phục vụ phương tiện đi lại.

Do đó, việc cung ứng thêm một số vị trí đỗ xe là cần thiết. Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, việc hình thành điểm đỗ phải hết sức thận trọng, tránh “hiệu ứng ngược”. Thực tế, nhiều bãi đỗ mọc lên không những không giải quyết được nhu cầu hiện tại, mà còn là nguyên nhân để người dân mua xe nhiều hơn, tắc lại hoàn tắc.

Đối với đề xuất tận dụng mặt sông làm bãi đỗ, ông Minh cho rằng, giải pháp này sẽ mang tính đánh đổi. Cái được là không gian đỗ xe, cái đánh đổi gồm: Mỹ quan đô thị, điều tiết khí hậu, môi trường, cơ hội phát triển du lịch thủy nội địa trong tương lai.

Liên quan đề xuất làm bãi đỗ xe tại khu vực bãi giữa sông Hồng, theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, chế độ thủy văn của sông Hồng rất phức tạp. Sông Hồng lại được xếp vào cấp đặc biệt, phục vụ giao thông đường thủy. Nếu hình thành bãi đỗ xe ôtô ở đây, việc làm đường kết nối sẽ chắn ngang dòng chảy hoặc sẽ tốn rất nhiều kinh phí để làm cầu nối đảm bảo tĩnh không thông thuyền.

Mặt khác, các con sông nằm trong phạm vi đề xuất này đều đang thực hiện chức năng thoát nước cho thành phố. Hàng năm, thành phố đều phải thực hiện nạo vét bằng dây chuyền cơ giới, việc xây dựng bãi đỗ xe ở trên sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác cải tạo lòng sông. Việc bê tông hóa cũng làm tăng nền nhiệt, tác động đến cuộc sống người dân xung quanh.

Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của HĐND TP Hà Nội, Bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cũng đã từng đề nghị thành phố "xem xét cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu".

Theo ông Tuấn, việc cống hoá các con sông, kênh mương sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, đồng thời làm tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngay khi đề nghị này được đưa ra, nhiều đại biểu đã cho rằng "không nên đặt vấn đề bê tông hoá sông Tô Lịch vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thuỷ, tâm linh nữa".

Đặng Nhật
.
.
.