Chuyện người quản lý

Cơ chế khoán thu phí sẽ mang lại sự minh bạch?

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:27
Thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy, đến ngày 1-8, trong tổng số 48 trạm thu phí thì có 43 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan Nhà nước, có thẩm quyền quản lý khai thác.

Đến năm 2020, sẽ có thêm khoảng 30 trạm thu phí BOT đi vào hoạt động, nâng tổng số lên khoảng 78 trạm thu phí. Tuy nhiên, với số lượng lớn trạm thu phí trải khắp đất nước nên việc theo dõi, kiểm tra doanh thu thu phí, công tác tổ chức giám sát thu phí của Tổng cục Đường bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn: vì số lượng con người cũng chỉ có mức độ,  chưa tính các kinh phí ăn ở là cả một vấn đề, cực chẳng đã mới phải giám sát. Vị này dẫn chứng, như vừa qua thực hiện giám sát tại trạm Pháp Vân-Cầu Giẽ, đoàn kiểm tra cần tới 55 người làm việc căng sức, phân chia 24/24 giờ để giám sát.

Trước thực tế này, để tăng cường việc giám sát công tác thu phí một cách chặt chẽ, minh bạch, chống thất thoát, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bài toán là giải pháp tổng thể như chính sách khoán doanh thu cho mỗi trạm thu phí, phần mềm giám sát trực tuyến số liệu thu phí, đẩy mạnh thu phí không dừng (ETC) kết hợp với thanh kiểm tra tăng cường về thu phí, giám sát trạm phí.

Việc khoán số thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát về số thu của Tổng cục Đường bộ và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế), thời gian khoán sẽ là 5 năm một lần.

Sau 5 năm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo. Đề cập đến cơ sở khoán mức thu trạm phí, ông Cường đưa ra căn cứ dựa vào tổng mức đầu tư dự án, lưu lượng xe ngày/đêm qua trạm, mức phí đối với từng loại xe.

 “Nếu nói vòng đời dự án chính là tổng mức đầu tư để xác định thời gian thu phí thì cần tính toán giá trị thực của công trình qua kiểm toán, quyết toán để tính mức thu phí, thời gian thu phí. Lưu lượng từng loại xe qua trạm nhân với mức phí sẽ đưa ra con số doanh thu thu phí”, vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nói.

Đặt câu hỏi đến việc dự báo doanh thu sẽ rất khó chính xác và chỉ mang tính chất tương đối, ông Cường giải thích thêm, hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế (dao động từ 5-10%) tùy theo tốc độ tăng trưởng giữa các năm đồng thời qua khảo sát, dự báo tốc độ của lưu lượng xe để xác định khoán doanh thu thu phí trong vòng thời gian 5 năm tránh rủi ro nhất cho Nhà nước và nhà đầu tư vì làm mỗi năm sẽ rất tốn kém chi phí.

“Nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước phải ngồi lại, thống nhất mức khoán doanh thu thu phí và đàm phán với nhau ở mức độ khoán cụ thể nào để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân. Việc tính toán lưu lượng xe và dự báo lưu lượng xe phải chính xác và khoa học. Có thể tăng thành phần giám sát như cơ quan thuế vào cùng kiểm đếm doanh thu vì phải xác định mức thuế sẽ cho ra con số minh bạch, sát với doanh thu thực để dân yên tâm”, ông Cường cho biết thêm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh, khi khoán doanh thu phí, nhà đầu tư BOT phải tiết kiệm mọi chi phí điều hành, nhân công để có hiệu quả nhất.

Trong trường hợp mức thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra bù vào. “Nếu thực hiện được cơ chế khoán thu phí thì bên cạnh việc đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí, không bị thất thoát, việc này cũng giúp các nhà đầu tư có được tính chủ động cao hơn”, ông Cường khẳng định.

Bên cạnh việc khoán doanh thu, Tổng cục Đường bộ cũng đang triển khai phần mềm giám sát trực tuyến (online) số liệu thu phí, đẩy mạnh thu phí không dừng. Nhấn mạnh nếu triển khai được thu phí không dừng sẽ rất văn minh và hiệu quả, minh bạch, ông Cường nhìn nhận, xe đi qua trạm phí sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản, không ai can thiệp thay đổi số liệu được vì truyền tải trực tuyến đến tất cả cơ quan quản lý Nhà nước-nhà đầu tư để theo dõi chéo nhau, chưa tính đến đối chiếu ngân hàng.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác thu phí minh bạch, qua thanh kiểm tra nếu phát hiện tồn tại, Tổng cục Đường bộ nhắc nhở chấn chỉnh nhà đầu tư BOT để tuân thủ tốt hơn, đảm bảo duy trì doanh thu thu phí không thể thấp hơn thời điểm thanh tra, đồng thời điều chỉnh lại phương án tài chính nhằm giảm thời gian thu, nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải sẽ thương thảo lại phụ lục hợp đồng BOT.

Đặng Nhật
.
.
.