Đào tạo, cấp giấy phép lái xe:

Có bằng số tự động không được lái xe số sàn

Chủ Nhật, 24/05/2015, 12:09
Sau khi nghe thông tin có chủ trương đưa xe số tự động vào việc thi lấy bằng lái, nhiều người dân tỏ ra vui mừng, song cũng có không ít thắc mắc xung quanh việc nhà quản lý sẽ cấp một bằng, hay hai bằng, người có bằng nào thì có thể lái hai loại xe?… Nhằm có những thông tin rõ hơn gửi tới bạn đọc, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) về vấn đề này.

PV: Thưa ông, theo chủ trương mới của Bộ GTVT thì tới đây, người dân sẽ được phép thi giấy phép lái xe (GPLX) ôtô số tự động. Vậy có giấy phép này, họ có được lái xe số sàn không?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Theo chủ trương của Bộ GTVT thì tới đây sẽ đưa việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ôtô số tự động.

Cụ thể, ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, yêu cầu đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản liên quan để đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đối tượng nêu trên, dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thêm sự lựa chọn về chương trình đào tạo.  Tuy nhiên, người có bằng lái xe số tự động thì không được phép lái xe số sàn. 

PV: Trong trường hợp người có GPLX số sàn, muốn lái xe số tự động thì có phải đi học bổ sung chương trình để có giấy chứng nhận hay không? Và trong trường hợp xe có cả số sàn và số tự động, thì việc kiểm soát bằng lái sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Theo quy định của luật, nếu là bằng B1 đang cấp như hiện nay thì đương nhiên được phép lái số sàn, và cả số tự động. Họ không thêm bất cứ gì nữa, sau khi đã được đào tạo. Thật ra, không phải là có loại xe nào mà có cả số sàn và số tự động. Vì theo thiết kế hiện nay, xe số tự động có một nấc bên cạnh chuyển sang, nhưng như thế không hẳn gọi là số sàn được.

Số tự động tức là không phải sử dụng chân côn, mà chỉ sử dụng chân ga và phanh, người ta vẫn điều khiển được. Còn số sàn phải dùng cả hai chân. Do đó, loại xe có nấc gạt như nói ở trên không phải vừa là số tự động, vừa là số sàn đâu. Mà đó vẫn là xe số tự động.

Tôi cũng phải nói rằng, đa phần dân mình đang lái xe số tự động. Trên thực tế, với xe 4 chỗ người ta cũng sản xuất số tự động nhiều.

Ngoài ra, bằng B1, ngoài đào tạo lái xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nếu có nhu cầu thì có thể chuyển sang lái xe tải (loại nhỏ). Mà xe tải đương nhiên hiện nay chưa có số tự động. Do đó, người thi bằng lái xe số tự động thì cũng sẽ không được lái loại xe này.

Ông Nguyễn Thắng Quân.

PV: Hiện nay, trên cả nước có bao nhiêu trung tâm, cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe? Thực tế các trung tâm đã từng đưa thêm chương trình lái xe số tự động vào khóa đào tạo hay chưa?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Theo thống kê, cả nước có 322 cơ sở đào tạo và 104 trung tâm sát hạch GPLX. Từ trước đến nay, trong chương trình đào tạo bằng lái xe B1, kể cả B2, đã có đào tạo số sàn và có thêm 10 tiết để làm quen với số tự động. Nay chủ trương của Bộ là tách hẳn ra, chúng tôi đang nghiên cứu để có chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Tuy nhiên, phía cơ sở đào tạo cũng sẽ có những bất cập. Vì giờ họ phải đầu tư thêm nhiều xe. Tính ra mỗi xe trung bình khoảng 500 triệu đồng. Theo tính toán, nếu áp dụng phương thức thi mới thì các trung tâm sẽ tốn kém hơn, vì hiện nay nhu cầu học lái xe cũng đang giảm, học phí cũng giảm. Do đó, khi họ đầu tư xe mới, thì kinh phí học cũng sẽ gia tăng.

PV: Xin ông cho biết, nếu có hai chương trình thi số tự động và thi xe số sàn, thì có rơi vào trường hợp cấp hai bằng không. Và bằng lái xe số tự động có được sử dụng mang tính quốc tế hay không?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Chúng tôi sẽ nghiên cứu thiết kế một dạng bằng lái có cả số tự động và số sàn. Hiện nay, bằng B1 theo quy định của luật thì được phép lái cả xe tải dưới 3,5 tấn và xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Bây giờ, sẽ có thêm một đặc điểm riêng, có thể là chấm nhỏ (ghi thêm mục được lái xe số tự động) trong bằng B1 đấy, thì những người có điểm chấm đó đương nhiên là ra đường chỉ được phép lái xe số tự động từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Ngoài ra, vừa rồi mình tham gia Công ước Viên nên bằng hiện tại của mình có thể sử dụng lái xe ở 73 nước. Tuy nhiên, trong số những nước này thì cũng có nước công nhận bằng lái xe số tự động, nhưng cũng có nước mới chỉ công nhận bằng lái xe số sàn. Vấn đề này mình cũng phải tính đến khi cấp GPLX quốc tế.

PV: Dư luận cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng, ra ngoài đường rất khó phân biệt đâu là người có bằng lái xe số sàn, hay bằng lái xe số tự động. Nếu người lái xe số sàn mà chỉ có bằng lái xe tự động, thì sẽ là nguy hiểm đối với xã hội. Bản thân ông có cảm thấy lo lắng về điều này?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Tôi cũng không dám khẳng định, nếu chỉ đào tạo số tự động thì vấn đề an toàn giao thông có giảm không? Thực ra thì chúng ta cũng cần xem xét. Thi dễ hơn thì có thể họ sẽ lơ là việc học.

Thực tế, hiện giờ học yêu cầu cao như thế, nhưng khi có bằng, ra đường vẫn còn kẽ hở. Tất nhiên là phương án thi này là đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân. Ai cũng ngại thi lái xe khó, thích thi dễ để sớm có bằng. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu, học lái xe là học cho mình, học càng kỹ thì về sau càng đỡ ảnh hưởng đến mình và người khác.

PV: Như vậy, liệu ở đây có chuyện đẩy “khó” sang cho đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Đúng là sẽ khó khăn hơn đối với người làm công tác tuần tra kiểm soát. Vì khi mà đứng từ ngoài quan sát, khó biết được người đang lái xe kia có bằng lái số sàn hay chỉ là bằng lái xe số tự động. Trừ khi họ vi phạm giao thông, mình kiểm tra thì mới biết rõ được. Học nhàn hơn, thi nhàn hơn, nhưng cũng khó cho cơ quan quản lý Nhà nước.

PV: Xin ông cho biết lộ trình dự kiến thực hiện việc đào tạo, sát hạch lái xe số?

Ông Nguyễn Thắng Quân: Theo lộ trình dự kiến thì từ nay đến khoảng tháng 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiên cứu sửa Thông tư 46, rồi trình Bộ GTVT, để đến khoảng tháng 9, Bộ sẽ ban hành. Khi Bộ ban hành thì theo quy định, 45 ngày sau thông tư mới sẽ có hiệu lực, thời điểm này rơi vào khoảng tháng 11.

Sau khi có văn bản chính thức, thì các trung tâm mới đầu tư, bắt đầu đào tạo. Như vậy, thời điểm để đưa vào thực hiện chính thức có thể là đầu năm 2016.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.