Chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”: Chơi chữ không cần thiết

Thứ Năm, 24/05/2018, 09:58
“Thu phí BOT chuyển thành “thu giá BOT” là vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể lý giải việc đổi tên bên lề hành lang Quốc hội ngày 22-5 vừa qua.

Theo chuyên gia giao thông, việc chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT” là bất hợp lý, đánh tráo chức năng quản lý nhà nước và để doanh nghiệp tự tung tự tác.

Theo lý giải của Bộ trưởng GTVT, việc thu phí thuộc thẩm quyền của địa phương và bộ ngành liên quan, do đó trước đây khi muốn điều chỉnh phí BOT thì rất khó khăn và chậm, do phải thông qua các cơ quan đó. Khi chuyển sang “thu giá”, về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tuỳ theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính. Việc này không phải do Bộ GTVT quy định mà do Nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ sản phẩm do nhà máy sản xuất thì họ đưa ra giá bán, và BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, cũng tương tự như vậy.

Một số trạm thu phí BOT đã chuyển thành “trạm thu giá”.

Lý giải trên của Bộ trưởng Bộ GTVT đang vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, “phí” và “giá” là 2 từ hoàn toàn khác nhau, “thu giá” là từ không có nghĩa. 

Căn cứ theo Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017 thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. 

Còn lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước. Các loại phí thường gặp trong đời sống là học phí, viện phí, án phí, cước phí, phí trông giữ xe ở các bãi giữ xe, phí tham quan… 

Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá, nghĩa là số lượng tiền phải trả cho hàng hoá đó. Về nghĩa rộng đó là số tiền phải trả cho một hàng hoá, một dịch vụ, hay một tài sản nào đó. 

Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực từ  1-1-2013 đưa ra định nghĩa giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, chuyên gia giao thông đô thị thì việc đổi tên từ “thu phí BOT” thành “thu giá BOT” là một cách “chơi chữ” không cần thiết, một việc làm không hợp lý. Trên thực tế, việc chuyển từ phí BOT thành giá BOT có thể khiến người dân mất ấn tượng về chữ “phí”. Nhưng, người dân họ không để ý giá hay phí mà chỉ cần biết BOT có hợp lòng dân hay không.

Tuy nhiên, nếu chuyển thành “thu giá BOT” cũng đồng nghĩa với việc để doanh nghiệp tự điều chỉnh mức thu, dễ xảy ra tình trạng tăng giảm một cách tùy tiện. 

TS Nguyễn Xuân Thủy lấy ví dụ, vào ngày lễ, tết, doanh nghiệp lấy lý do nhiều người đi mà tăng giá, còn ngày thường họ lại điều chỉnh giảm bớt. Như vậy là việc làm không thể chấp nhận được. Ở các nước trên thế giới không có tình trạng như vậy. Bởi lẽ, phí BOT là vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, xa hơn nữa là liên quan đến an ninh trật tự. Việc chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT” tuy hợp với cơ chế thị trường, có lợi cho nhà đầu tư nhưng lại đang đánh tráo chức năng quản lý của nhà nước và để doanh nghiệp tự tung tự tác.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, thu phí BOT phải theo đúng quy định của nhà nước, vừa đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn nhưng không thể để họ chạy theo thương mại. Và quan trọng hơn cả là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Như vậy, nhà nước phải tăng cường công tác quản lý trong việc thu phí BOT, tránh để tình trạng người dân bức xúc vì mức phí BOT tại một số trạm như thời gian vừa qua.

Nguyễn Hương
.
.
.