Chuyên gia lập trình người Nga cũng "hãi" giao thông Hà Nội

Chủ Nhật, 02/04/2017, 15:25

Andrey Lavorv (30 tuổi, quốc tịch Nga) hiện đang làm chuyên gia lập trình tại Việt Nam. Anh ở Hà Nội 2 năm, nói tiếng Việt như người Việt nhưng có một thứ anh bảo "ấn tượng đặc biệt" và chưa quen được đấy là tình hình trật tự an toàn giao thông và thói quen giao thông của người Việt.


Andrey Lavorv sang Hà Nội từ tháng 8-2015. Trước khi sang Việt Nam anh tốt nghiệp chuyên ngành lập trình thuộc Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật Điện quốc gia Saint Petersburg. Anh theo học khóa đào tạo tiếng Việt tại Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội).

Gắn bó cuộc sống của mình tại Hà Nội có thời gian gần 2 năm, hiện anh đang là một chuyên gia lập trình cho một Công ty. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Khoảng thời gian ở Việt Nam từ trước đến nay, tôi đã sử dụng nhiều phương tiện đi lại trong lòng TP Hà Nội, cũng như những địa điểm khác trong nước Việt Nam, và đến tận bây giờ tôi vẫn "ấn tượng đặc biệt với giao thông Thủ đô của bạn”.

Chuyên gia lập trình Andrey Lavorv

- PV: Ngay từ khi lần đầu tiên đến Hà Nội, anh đã có ấn tượng gì về giao thông Thủ đô?

- Andrey Lavrov: Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là một đất nước thân thiện và dễ mến. Người dân rất cởi mở, nhịp sống sôi động, ồn ào. Với tôi, bất cứ vào thời điểm nào, Hà Nội cũng nhộn nhịp dòng phương tiện và không phải ai cũng chấp hành nghiêm Luật giao thông. Hà Nội có quá nhiều phương tiện được phép vào thành phố, nhất là có rất nhiều xe máy lưu thông trên mọi tuyến đường. Ở Hà Nội theo tôi đường đi khó nhất là đường Phạm Văn Đồng vì luôn có xe ô tô quá to lưu thông gây ra nhiều bụi, tắc đường... Cho nên người tham gia giao thông có lúc phải leo lên cả vỉa hè.

Vỉa hè của các bạn bị lấn chiếm ghê gớm. Tôi có cảm giác dãy phố nào cũng bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, không còn lối đi dành cho người đi bộ...

Ngoài ra tôi còn hãi với những chiếc xe cũ nát như đống sắt vụn vẫn phóng băng bằng trên đường phố. Nhìn cái đấy thật không an toàn chút nào cho cả người điều khiển và người tham gia giao thông. Đâu đó ở trên đường tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những người đàn ông đứng "tè bậy" vào các cột điện, góc tường, thậm chí cả gốc cây trong công viên, dù nhà vệ sinh cách đó không xa!?

Cảnh ùn tắc ở Hà Nội. Ảnh: Tienphong.vn

- PV: Theo anh tình trạng ùn tắc ở Hà Nội là do đâu?

- Andrey Lavrov: Ùn tắc là bài toán muôn thuở mà quốc gia, thành phố nào cũng gặp phải trên con đường phát triển của mình. Cảm nhận của tôi là Hà Nội phát triển nhanh, nhưng giao thông không theo kịp sự phát triển đó. Đường phố của các bạn, kể cả các đường phố vành đai vào thành phố nhìn chung nhỏ hẹp, chắc chắn vài năm nữa các bạn sẽ phải làm lại mới đáp ứng nhu cầu đi lại.

Theo tôi, tình trạng ùn tắc đường của thành phố Hà Nội là do nhiều người tham gia giao thông còn thiếu ý thức không chấp hành luật giao thông. Chính quyền thành phố cho phép quá nhiều loại phương tiện được vào thành phố. Đường hẹp, lại có quá nhiều xe ô tô quá to là nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó tôi thấy vẫn có tình trạng đèn tín hiệu giao thông bố trí chưa hợp lý. Có nhiều ngã tư để đèn xanh quá ngắn trong khi đèn đỏ lại quá dài, dẫn đến ùn ứ. Việc này diễn ra một thời gian dài nhưng không thấy cơ quan chức năng điều chỉnh cho hợp lý...

- PV: Theo anh để giảm ùn tắc Hà Nội cần làm gì?

 - Andrey Lavrov: Phải phát triển các phương tiện vận tải công cộng. Tôi rất ủng hộ và thích chính sách xây dựng đường sắt thành phố của Chính phủ Việt Nam, chính quyền Hà Nội. Theo tôi, Hà Nội và các đô thị lớn ở Việt Nam phải phát triển mạnh giao thông công cộng. Vận tải đô thị là tiện ích nhất cho người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh nhiều hơn.

Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là vào năm 2009, nếu so sánh Hà Nội năm 2009 với Hà Nội năm 2017 thì có rất nhiều cải thiện rất nhiều. Nhất là với hệ thống giao thông và hệ thống xe buýt thành phố. Nhưng người Việt Nam không phải chỉ xây dựng đường xe ô tô thôi, phải phát triển đường sắt đô thị, tàu điện, đặc biệt là đường ngầm. Ở Nga, chính phủ khuyến khích người dân đi bằng vận tải đô thị. Nhiều người sống ở ngoài thành phố thường chọn đi xe ô tô đến thành phố sau đó ở thành phố đi bằng xe điện ngầm vì đi xe ô tô ở thành phố bắt tiện lắm...

Khi phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu người dân thì chẳng cần phải hô hào, người dân cũng chọn vận tải công cộng để đi lại...

Nhiều người nước ngoài thực sự choáng khi bắt gặp cảnh ùn tắc ở Hà Nội

- PV: Anh vừa nói đến ấn tượng về những chiếc xe cũ nát. Vậy ở Nga thì sao?

 - Andrey Lavrov: Chính phủ và TP Hà Nội cần có biện pháp thu hồi, việc làm này giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông,.. Nhưng trong quá trình thu hồi, cần phải có tiền hỗ trợ những người chủ bị thu hồi chiếc xe đó. Ở Nga, nhà nước thu hồi xe ô tô cũ bằng cách khuyến khích mọi người dân giao nộp xe sẽ được mua xe ô tô mới với mức giá ưu đãi. Những chiếc xe cũ nát vừa mất an toàn giao thông lại làm xấu đi mỹ quan đô thị và thủ đô Hà Nội. Thực hiện thành công điều này, không chỉ TP Hà Nội mà nước Việt Nam dần thay đổi theo hướng tươi đẹp, văn minh trong lòng người nước ngoài khi đến đây.

Trong buổi trò chuyện với PV Báo CAND, anh Andrey chia sẻ thêm: Tôi muốn  cảm ơn tới những người bạn Việt Nam đã giúp đỡ khi tôi mới sang Việt Nam. Thật sự tôi thấy Hà Nội là thành phố đáng kính, vui nhộn, an ninh trật tự  rất tốt. Là một trong những Thành phố trên thế giới nên đến tham quan và sinh sống.

Để khắc phục tình trạng này, Thành phố Hà Nội cần giảm bớt những xe ô tô quá to, xử lý nghiêm những trường hợp lưu thông trên đường không đúng Luật. Từ đó những tuyến đường sẽ có diện tích thông thoáng cho người tham gia giao thông, mà còn tạo được nếp văn minh giao thông  trên các tuyến phố của Thành phố  Hà Nội.

Vỉa hè được bị chiếm dụng là nơi để xe, buôn bán!

- PV : Trên đường phố ở Hà Nội thường xuyên xuất hiện hình ảnh người ta phóng uế bừa bãi, anh có suy nghĩ gì khi chứng kiến điều đó ?

- Andrey Lavrov: Tôi đã nhìn thấy nhiều rồi, nhưng đầu tiên phải nói đến là ở trung tâm Hà Nội có những nhà vệ sinh công cộng có ghi rõ biển "miễn phí", nhưng nhà vệ sinh nào cũng có người ngồi gần và thu lệ phí đi nhà vệ sinh?. Nếu chính phủ muốn người ta không tiểu bậy trên đường, thì nhà vệ sinh công cộng phải là miễn phí, đồng thời xây dựng thêm những nhà vệ sinh công cộng vào những địa điểm cần thiết.

Bên cạnh đó Cơ quan chức năng phải vào cuộc chấm dứt  những hoạt động mục đích vụ lợi tại những điểm công cộng của Thành phố, thay vào đó cho nhiều người được sử dụng miễn phí. Cùng vấn đề như vậy, như là những điểm gửi xe, Hà Nội có những điểm giữ xe tự phát, không phải ai cũng có thể đến đấy ngồi thu phí giữ xe. Chính quyền Hà Nội có thể xây dựng những chỗ gửi xe có mức giá rõ ràng với những nhân viên chính thức trông coi để xóa bỏ được nạn “lấn chiếm vỉa hè” trở thành bãi đậu xe, gửi xe,...

Hoàng Phong
.
.
.