Chưa tăng phí với hàng không nước ngoài

Thứ Bảy, 19/11/2016, 08:29
Ngày 18-11, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị đối thoại với các hãng hàng không về chính sách vận tải hàng không và tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác quốc tế đi/đến Việt Nam. 


Đại diện Hiệp hội các hãng hàng không khai thác (AOC) đã đưa ra đề nghị thành lập Ủy ban phối hợp ra quyết định điều hành bay tại cảng hàng không (CDM) nhằm điều phối hoạt động của tàu bay tại cảng đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tình trạng chậm chuyến vì lý do điều hành bay.

Ngoài ra, AOC cũng cho rằng, hiện tại, theo đánh giá của các hãng hàng không, chi phí khai thác tại các sân bay của Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực, các cơ quan quản lý của Việt Nam có biện pháp nào để giảm giá cho các hãng không quốc tế?

Tại cuộc họp, đại diện của VNA cũng đưa ra kiến nghị với Cục Hàng không về vấn đề sửa chữa đường băng sao cho phù hợp, không ảnh hưởng đến việc khai thác.

Mặt khác, các hãng hàng không có nhu cầu sử dụng làm thủ tục xuất nhập cảnh ưu tiên cho hành khách hạng thương gia; vấn đề trang thiết bị, bác sỹ tại sân bay như bác sỹ tại sân bay không cấp giấy chứng nhận về tình trạng sức khoẻ để đi/không được đi tàu bay. Các hãng hàng không sẽ dựa trên giấy chứng nhận này để có cơ sở chấp nhận vận chuyển hành khách bị ốm tại sân bay hay không…

Đặc biệt, nhiều hãng hàng không đã đặt câu hỏi Cục Hàng không đã áp dụng các biện pháp gì để đảm bảo an ninh mạng tại sân bay?

 Trước kiến nghị của các hãng hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với những vấn đề các hãng đặt ra liên quan đến hạ tầng, trang thiết bị cảng hàng không sân bay thì hiện nay hạ tầng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vấn đề cảng hàng hoá.

Đặc biệt, với vấn đề làm thế nào để duy trì hoạt động vận tải hàng không trong điều kiện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải và Long Thành thì mới đang trong giai đoạn chuẩn bị, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ GTVT những kế hoạch như mở rộng sân đỗ, trong đó sẽ đưa 21ha đất quốc phòng vào khai thác hàng không dân dụng.

Về hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn, ACV cũng đang nâng cấp để tăng slot cho sân bay, tăng độ chịu tải của đường băng, giảm tối thiểu sự giảm tải. Riêng vấn đề phí sân bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng thẳng thắn: Hiện nay, chi phí khai thác của Việt Nam cao thứ 3, sau Singapore và Thái Lan.

Các loại giá được xây dựng và đưa ra ở mức hợp lý, tuân thủ theo các hướng dẫn của ICAO và có nhiều loại giá được giữ ổn định từ nhiều năm nay. Trước mắt sẽ không tăng giá phí. Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng có chính sách giảm giá cụ thể cho các hãng hàng không khi mở mới các đường bay nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính trong giai đoạn đầu khai thác đi/đến Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, từ chưa đến 20 hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam vào năm 1993 với hơn 20 đường bay quốc tế, cho đến nay đã có 55 hãng hàng không nước ngoài với gần 100 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng về hành khách, hàng hoá luôn đạt mức trung bình 14-15% năm trong giai đoạn 20 năm qua đối với cả vận tải hành khách cũng như vận tải hàng hoá. Bên cạnh những thành tựu trước mắt, những nhà quản lý vẫn luôn trăn trở để mong muốn ngành hàng không Việt Nam có những sự phát triển đột phá, có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam, thêm nhiều sân bay quốc tế của Việt Nam tiếp nhận hoạt động khai thác quốc tế thường lệ, xứng tầm với vị trí địa lý cũng như vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, mọi thắc mắc, kiến nghị của các hãng hàng không nước ngoài, Bộ GTVT sẽ xem xét và trả lời chính xác bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

Phạm Huyền
.
.
.