Chống dịch nhưng không lơ là an toàn bay

Thứ Hai, 01/06/2020, 07:57
Đó là nhận định của ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam tại buổi tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế”. Tại đây, cả chuyên gia trong nước và nước ngoài đều có chung nhận định: “Hàng không Việt Nam đã phục hồi và sẽ phát triển trở lại”.

Đường bay quốc tế chưa chắc chắn khi nào mở cửa trở lại

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Võ Huy Cường cho rằng, trong tâm dịch COVID-19, chúng ta bàn luận làm sao để chống dịch nhưng không một giây phút lơ là bảo dưỡng, khai thác và đảm bảo có thể khai thác bất cứ lúc nào, khai thác an toàn. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn... 

Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Hiện nay có những đường bay nội địa  đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi. So với năm 2019, tính cả thị trường nội địa và quốc tế thì mới đạt  khoảng 50%. 

Theo ông Cường, dịch COVID-19 khiến thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn. Chúng ta mong chờ thị trường quốc tế mở cửa thì mới có hy vọng phục hồi. Thông thường thị trường cao điểm vào tháng 5, tháng 6, tháng 7. Năm nay, ông Cường hy vọng sẽ có điều chỉnh như kéo dài mùa hè, cho học sinh đi học muộn thì sẽ có cơ hội phát triển trở lại. 

Đối với đường bay quốc tế, mặc dù chưa chắc chắn khi nào sẽ mở cửa trở lại nhưng lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết phải luôn sẵn sàng khi kiểm soát được dịch bệnh, khi các rào cản nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ. Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ. 

“Chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, thế giới chưa có thuốc chống COVID-19 thì chúng ta có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong. Chúng ta cũng đang nghiên cứu với Pháp để xây dựng đường bay chở khách an toàn. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng thế nào để trở lại mạnh mẽ sau dịch COVID-19” - ông Cường thông tin.

Trong khi hàng không Việt Nam đang dần phục hồi, tổng thị trường đạt sản lượng khoảng hơn 50% thì hàng không thế giới vẫn đang chìm trong khủng hoảng. Bằng chứng là nhiều hãng bay lớn phải dừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ việc không lương, không ít hãng đã đệ đơn xin phá sản.

Đề cập đến ngành hàng không Mỹ, ôngAdam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) - cho biết: “Tình hình hiện tại ở nước Mỹ không mấy khả quan. United Airlines, một hãng hàng không lớn tại Mỹ, trước đây phục vụ 500.000 hành khách một ngày, như nghiện tại hãng chỉ có 10.000 khách một ngày, giảm 98%”. 

Ở Mỹ, không có sân bay nào thực sự đóng cửa, các hãng hàng không vẫn hoạt động. Các CEO trong ngành nói rằng họ vẫn mở chuyến bay nếu khách có nhu cầu nhưng hiện tại, hành khách không có nhu cầu bay. Tuy nhiên, đến nay, sau 62 ngày kể từ khi Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, lượng khách trung chuyển bằng đường hàng không giảm 90%, thị trường đang khôi phục trở lại nhưng mức độ sụt giảm vẫn là 85-88%, tốc độ hồi phục rất chậm. 

“Chúng tôi chưa biết bao giờ ngành hàng không mới khôi phục trở lại. Hiện tại, hành khách vẫn có nhu cầu di chuyển nhưng nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã giảm” - ông Adam Sitkoff cho biết thêm.

Hàng không Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Các ngành dịch vụ cùng chia sẻ

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định đặt câu hỏi: "Điểm mấu chốt giúp những người làm quản lý có thể kết hợp với nhau để tạo nên sức bật cho ngành hàng không là gì?". 

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, để "lò xo" nền kinh tế trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không. Theo ông, tất cả các bộ, ngành đều phải phối hợp với nhau. Bên cạnh đó, xét về kinh tế, tất cả những lĩnh vực liên quan tới du lịch như hàng không, lưu trú, các nhà hàng, quán ăn... cũng phải chung tay tạo ra sự lan tỏa để bật dậy cả nền kinh tế. 

Trong khi đó, ông Phạm Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Dolphin Tour bày tỏ: “Tôi cho rằng, việc tái cấu trúc thị trường mang lại cả nguy cơ và cơ hội. Các hãng hàng không cần tập trung vào nhu cầu của người dân và giảm giá hợp lý. Nếu chỉ giảm giá thì doanh nghiệp không có huyết mạch để sống nên giảm giá chỉ là giải pháp tức thời. 

Doanh nghiệp muốn phát triển đường dài phải kích thích, thu hút nhu cầu nâng cao của khách hàng. Dịch vụ địa phương, ăn uống, lưu trú phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu nâng cao chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách hàng. Như vậy, ngành hàng không, du lịch mới có sức sống cơ bản trong thị trường nội địa”. 

Bày tỏ thêm quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, đại diện cho hãng Bamboo Airway nói: Nếu không có hàng không, kết nối quan hệ kinh tế giữa địa phương, tỉnh thành, nhà kinh doanh, các tuyến tour du lịch sẽ chậm. Ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Ông cho biết, hai tuần gần đây, lối ra - vào của khu vực nội địa sân bay phải dùng còi để chỉ đạo các phương tiện, sảnh sân bay cũng tấp nập. 

Tuy nhiên, khi hỏi về cụ thể thời gian phục hồi, ông Võ Huy Cường thành thật: “Tôi không dám chắc về thời gian phục hồi ngành du lịch cũng như nền kinh tế khi mọi người vẫn còn lo sợ về dịch bệnh. Ngoài ra, mọi người cũng cần khôi phục lại thu nhập sau khi giãn cách xã hội, một số người còn bị mất việc”. Theo ông, nền kinh tế có thể trở lại như năm 2019 cần khoảng 2-3 năm tới. Ông hy vọng, với nỗ lực của mọi người trên toàn cầu, có thể sớm khống chế hoặc tiêu trừ được dịch bệnh.

Phạm Huyền
.
.
.