“Chỉ học mấy tháng rồi cho ra đăng kiểm tàu thì không ổn!"

Thứ Hai, 05/11/2018, 08:52
Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, cần sớm tổng kiểm tra phương tiện thuỷ vì số liệu từ năm 2007 đến nay đã quá lạc hậu, không đánh giá được đúng thực trạng.

“Chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên 22 phương tiện đang lưu thông, chỉ 5 phương tiện đáp ứng yêu cầu, còn lại là có vấn đề, trong đó 13 phương tiện hết hạn đăng kiểm. Theo nhiệm vụ, chúng tôi xử phạt, xử phạt mạnh, nhưng cũng băn khoăn vì chưa có cơ chế để sau khi xử phạt, người vi phạm phải đăng ký, đăng kiểm? Tại sao người chủ sở hữu không chủ động đến với cơ quan quản lý và cơ quan quản lý đã tích cực đến với người dân hay chưa?” – Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT đặt vấn đề tại Hội nghị tăng cường công tác quản lí nhà nước trong quản lí phương tiện, thuyền viên, góp phần đảm bảo TTAT trên đường thuỷ nội địa do Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải và Cục CSGT tổ chức ngày 1-11 tại Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, hiện nay, việc quản lí trên đường thuỷ có nhiều bất cập, phát triển vận tải thuỷ chủ yếu là tự phát, rủi ro lớn, nhất là tuyến vận tải sông biển tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Đề nghị Cục CSGT, Cục Đường thuỷ nội địa và Cục Đăng kiểm cần phối hợp chặt chẽ, làm thế nào để vận tải thông suốt, giảm chi phí, tăng an toàn giao thông.

Cảnh sát đường thuỷ Quảng Ninh kiểm tra an toàn phương tiện chở khách.

Phó Chủ tịch Thường trực TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh đến lợi ích của giao thông đường thuỷ nội địa, đồng thời đề nghị cần phải có quy hoạch rất tổng thể trên toàn quốc, liên kết, liên vùng giữa các địa phương; nâng cao năng lực quản lí phương tiện, người điều khiển phương tiện. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương và người có liên quan khi xảy ra mất an toàn giao thông trên địa bàn.

Cho rằng, không chỉ “3 không” là không đăng ký, không đăng kiểm, không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, trên đường thuỷ nhiều nơi còn “5 không” bởi có nhiều cảng, bến thuỷ nội địa không phép, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình đề nghị cần có sự quan tâm hơn của lực lượng chức năng đối với công tác đăng ký, đăng kiểm, có chế tài để người dân sau khi bị xử phạt phải đến đăng ký, đăng kiểm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, tra cứu phương tiện. 

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng nhấn mạnh đến tình trạng sử dụng môtô nước trong kinh doanh du lịch, mặc dù phương tiện nhỏ, công suất nhỏ nhưng tốc độ rất lớn, đã xảy ra chết người nên cần nghiên cứu quy định để quản lý; các phương tiện nhỏ không phải đăng ký đăng kiểm thì có thể cấp số quản lý, số điện thoại để có thể nắm được, liên lạc với các phương tiện này khi cần thiết, nhất là tránh trú gió bão.

Ông Bùi Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng Đăng kiểm tàu sông, Cục Đăng kiểm cho biết, các phương tiện công suất từ 15 tấn đến dưới 200 tấn đã đăng kiểm đạt 100%, số còn lại chiếm tỷ lệ rất lớn đó là phương tiện từ 5 tấn đến 15 tấn, chở dưới 12 người, chiếm tới gần 70%, nhưng số lượng đăng ký cũng chỉ đạt hơn 63% và chỉ 30% tái đăng kiểm khi đến hạn. Đề nghị tiếp tục xây dựng mẫu định hình mới phù hợp, nghiên cứu phương thức tạo điều kiện cho phương tiện cỡ nhỏ đăng kiểm để khắc phục tình trạng “3 không”.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, hiện nay, chiêu sinh về đường thuỷ rất kém, ít học sinh dự thi ngành này, đây là nỗi lo cho chất lượng của cán bộ đăng kiểm sau này. Kiến nghị Bộ GTVT sớm tổng điều tra phương tiện theo chỉ thị Chính phủ; tăng cường công tác đào tạo, việc tuyên truyền cần tập trung vào trọng điểm; rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị sửa chữa cho phù hợp với thực tế.

Nêu những kinh nghiệm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện vi phạm, góp phần hạn chế tình trạng "3  không" trên địa bàn, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng có đến 5, 6 lực lượng quản lí giao thông đường thuỷ như Công an, Biên phòng, Giao thông, Kiểm ngư, Hải quan... nhưng hiệu quả không cao, thông tin phối hợp với nhau chưa hiệu quả, ít trao đổi, mạnh ai người đó làm.

Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, cần sớm tổng kiểm tra phương tiện thuỷ vì số liệu từ năm 2007 đến nay đã quá lạc hậu, không đánh giá được đúng thực trạng. 

Việc đăng kiểm phải tiến tới thực hiện ngay trong quá trình đóng tàu, nhất là tàu có trọng tải từ 50 tấn trở lên. Thống kê lại các cơ sở đóng tàu theo kiểu dân gian, xử lí kiên quyết khi để phương tiện không an toàn khi vận hành. Việc phân cấp đăng kiểm phân cho địa phương cần tính toán phân thế nào cho phù hợp, phải đúng quy trình, cán bộ có trình độ mới tổ chức thực hiện. 

“Hằng năm, anh phải đào tạo được đội ngũ thuyền viên cấp chứng chỉ, phải có trình độ, nếu không, chỉ học qua mấy tháng cho ra đăng kiểm tàu thuyền thì không ổn”, ông Nguyễn Trường nhấn mạnh.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thuỷ Việt Nam kiến nghị, các phương tiện nhỏ nên giao cho cấp xã quản lý cho phù hợp và thuận tiện; nên tạo điều kiện cho  những người thi bằng thuyền trưởng từ hạng Nhì lên hạng Nhất không cần có bằng cấp 3 vì nhiều người có kinh nghiệm thực tế, họ đều thi từ hạng 3, hạng 4 lên...

Kết thúc hội nghị, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, điều quan trọng nhất là quản lý phương tiện tốt, an toàn, thuận lợi cho người dân; người điều khiển phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng phải có chuyên môn, đảm bảo an toàn...

Phương Thủy
.
.
.