Cần xử lý tình trạng cước vận tải trì hoãn giảm giá

Chủ Nhật, 11/01/2015, 15:23
Sau 13 lần giảm giá liên tiếp, so với hồi tháng 7/2014, tổng mức giảm của xăng đã lên tới 8.070 đồng/lít (31,5%); dầu diezel 6.190 đồng/lít (27,2%).
Theo tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% (xe chạy xăng); 35-45% (xe chạy dầu) giá thành cước vận tải. Như vậy, tới thời điểm này, giá cước vận tải có thể giảm 10-15%. Tuy vậy, suốt từ tháng 7 đến nay, những doanh nghiệp vận tải đã giảm giá cũng chỉ phổ biến ở mức 2-5%, rất ít trường hợp giảm giá ở mức 8-10%. Hơn nữa, khi bị Bộ Tài chính cũng như các ngành thúc giục thì các doanh nghiệp mới rục rịch giảm giá lấy lệ.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, trong số 69/114 doanh nghiệp taxi đăng ký giảm giá cước, thì hơn 50 đơn vị giảm 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm 800-1.000 đồng/km (5-8%). Chỉ có ba trường hợp giảm từ 1.200-1.500 đồng/km (10-11%) là Mai Linh, Thiên Phong (taxi Thành Công) và Thanh Nga. Trong số 62 doanh nghiệp vận tải khách cố định trên địa bàn, mới có 19 đơn vị giảm giá cước phổ biến 5-10% như HTX vận tải Thăng Long giảm 30.000 đồng/vé. Hay tại Bến xe Mỹ Đình, một số tuyến đi Yên Bái, Tuyên Quang cũng giảm từ 10.000-20.000 đồng/vé. Đối với vận tải hàng hóa, đến nay mới có 2/172 doanh nghiệp giảm giá cước 3-4%...

Suốt từ tháng 7 đến nay, những doanh nghiệp vận tải đã giảm giá cũng chỉ phổ biến ở mức 2-5%, rất ít trường hợp giảm giá ở mức 8-10%.

Các doanh nghiệp vận tải khách khi được hỏi về việc giảm giá thì hầu hết đều có lý do rằng, trong năm 2014 phải chịu nhiều chi phí đầu vào nhưng không tăng giá vé. Do đó cần thời gian tính toán lại chi phí, cân nhắc rồi mới quyết định giám giá vé. Doanh nghiệp taxi cũng có lý do, vì tháng 11 vừa qua hầu hết các doanh nghiệp đã giảm, nếu muốn giảm tiếp thì phải có thời gian để thay đổi. Còn doanh nghiệp vận tải container thì cho rằng, trong năm 2014, chủ trương siết tải trọng đã khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa gặp không ít khó khăn, việc giảm giá xăng dầu cũng chỉ giúp các doanh nghiệp dễ thở hơn. Việc giảm giá cước còn đang được cân nhắc.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ, trong tháng 11, phần lớn các doanh nghiệp taxi đã thực hiện giảm giá cước. Hiện các doanh nghiệp còn cân nhắc, tính toán để có thể tiếp tục giảm. Về phía vận tải ôtô, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp chưa giảm giá cước mạnh trong tháng 1 do phần lớn đã tiến hành giảm trong tháng 11. Họ cần thời gian chuẩn bị tính toán chứ không biến động ngay theo xăng dầu. Dù vậy, ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá nếu phát hiện mức giá không hợp lý và doanh nghiệp cố tình chây ỳ không giảm giá theo giá xăng.

Mặc dù các doanh nghiệp taxi đã thực hiện giảm giá cước sau sự vào cuộc ráo riết của Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các địa phương. Tuy nhiên, với mức giảm của nhiên liệu vừa qua so với mức giảm cước vận tải là chưa tương xứng. Thậm chí, trước sức ép của dư luận cũng như cơ quan quản lý Nhà nước, không ít doanh nghiệp taxi đã tìm cách lách. Dù công bố giảm giá cước nhưng phần lớn chỉ giảm giá cước mở cửa, và số kilomet mở cửa cũng bị rút ngắn hơn.

Đơn cử như một doanh nghiệp taxi lớn ở Hà Nội, giảm còn 12.000 đồng/0,3km giá mở cửa, các kilomet tiếp theo vẫn là 14.500 đồng. Để các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước theo giá xăng dầu không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác cũng như trên tinh thần văn bản nhắc nhở. Cơ quan chức năng cần có sự hậu kiểm, xử lý những doanh nghiệp cố tình neo giá cao.

Đặng Nhật
.
.
.