Cần tháo gỡ đăng bắt hải sản để thông luồng giao thông

Thứ Năm, 27/09/2018, 09:50
Đóng đáy là nghề truyền thống của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Tuy nhiên, đáy là chướng ngại nguy hiểm đối với các phương tiện giao thông đường thủy. 

Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định nghiêm cấm đặt vật cố định khai thác thủy sản trên sông, nhưng do phần lớn hộ dân sống bằng nghề đóng đáy có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn chưa thực hiện được.

Cà Mau có 12 tuyến sông do Trung ương quản lý và 12 tuyến sông do tỉnh quản lý. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Tuy nhiên, thời gian qua, việc người dân đặt hàng đáy trên các tuyến sông để đánh bắt thủy sản đã trở thành chướng ngại vật nguy hiểm, dẫn đến TNGT.

Người dân đóng đăng trên sông ở Cà Mau, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn TNGT đường thủy.

Cụ thể, gần đây liên tục xảy ra các vụ TNGT đường thủy do người điều khiển phương tiện lao vào các hàng đáy. Điển hình, tối 5-8, anh Huỳnh Văn T. (17 tuổi, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chạy vỏ lãi (phương tiện đi lại trên sông ở miền Tây) chở theo người bạn đến nhà người quen dự tiệc.

Tàn tiệc, anh T. và bạn xuống vỏ lãi chạy về nhà theo hướng sông Cây Khô về kênh Thầy Đội. Trong lúc di chuyển vỏ lãi tông vào hàng đáy trên sông của ông Nguyễn Văn Đấu, khiến T. rơi xuống sông. Người dân địa phương phát hiện ra ứng cứu, nhưng T. đã tử vong.

Trước đó, lúc 23h ngày 10-4, anh Ngô Vũ B. (24 tuổi, ngụ xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) điều khiển vỏ lãi chở theo em Ngô Hoàng D. (17 tuổi) đi từ nhà người quen đến Trung tâm Y tế huyện Năm Căn điều trị bệnh. 

Khi đi đến đoạn sông Cửa Lớn (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển), thì lao hàng đáy trên sông của ông Nguyễn Hải Ph., làm B. tử vong trên đường đi cấp cứu…

Hàng đáy ông Gầy, thuộc địa bàn xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển) là một trong những hàng đáy cố định lớn, số lượng miệng đáy lên đến 19 miệng. Mặc dù nghề đóng đáy không còn huy hoàng như trước, nhưng nó vẫn là nguồn sống của trên 20 hộ dân nơi đây. Chủ trương giải toả hàng đáy của tỉnh khiến họ băn khoăn, lo lắng.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Hiển cho biết, băn khoăn lớn nhất của địa phương vẫn là vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho những hộ dân này, nhất là những hộ có hàng đáy cố định. 

Bởi đa phần họ không đất sản xuất, nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt thuỷ sản trên sông. Họ đều mong có nghề ổn định, phù hợp điều kiện thực tế, chứ không phải là việc hỗ trợ bằng tiền.

Hiện ngành Nông nghiệp đang trong quá trình xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề nhưng rất chậm, nên việc giải toả vẫn đang gặp khó. Nếu thực hiện ngay phương án giải toả thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân đang sinh sống bằng nghề này.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau, những tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng đã giải tỏa gần 200 miệng lú, 29 hàng đáy (36 miệng) cố định, 44 miệng đáy tạm; thanh thải gần 23.000 cọc cây cá loại dùng đặt lú, đáy cá; 86 đống chà. Hiện, còn trên 1.100 miệng đáy cá hoạt động trên các tuyến sông rạch, liên quan đến 1.013 hộ dân.

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho rằng, việc đặt hàng đáy cá để đánh bắt thủy sản trên sông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đường thủy trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân phương tiện đi đêm không đèn chiếu sáng, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm quy tắc tránh vượt...

Thượng tá Đoàn Thanh Khải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: “Qua kiểm tra, vẫn còn 16 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người dân đặt nò, đó, lú, đăng và hàng đáy trên các tuyến sông do Trung ương và tỉnh quản lý. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử phạt, yêu cầu người vi phạm tự tháo dỡ. Những trường hợp cố tình tái lấn chiếm sẽ lập biên bản xử phạt, tịch thu những dụng cụ vi phạm”.

Cũng theo Thượng tá Đoàn Thanh Khải, khó khăn trong việc xử lý là người vi phạm không phải của địa phương mà ở xã khác đến đặt nò, đó, lú, đáy... nên địa phương không nắm được và việc tìm người vi phạm cũng khó. Hơn nữa, địa bàn rộng, giao cho địa phương quản lý cũng không được chặt chẽ.

“Muốn giải tỏa hàng đáy có lịch sử lâu đời, phải khảo sát, điều tra để tỉnh có kế hoạch hỗ trợ việc làm và có hướng chuyển đổi nghề nghiệp, sau đó sẽ tiến hành giải tỏa. Riêng đối với nò, đó, vó, lú... chướng ngại vật trên các tuyến sông thuộc địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương từ nay đến cuối năm phải giải tỏa dứt điểm” – ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết.

Đức Văn
.
.
.