Xử lý thế nào với hàng nghìn điểm bất cập giao thông?

Thứ Bảy, 23/01/2016, 10:47
Cho đến thời điểm hiện tại, ngành GTVT mới khắc phục được khoảng 50% kiến nghị. Hi vọng, trong thời gian sớm nhất, các bất cập trên sẽ được khắc phục hoàn toàn, để người dân yên tâm mỗi khi ra đường…


Thời gian gần đây, dư luận bức xúc vì ngành GTVT cắm nhiều biển báo hướng dẫn giao thông bất hợp lí, gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Lực lượng CSGT đã có tới 186 văn bản với 2.988 kiến nghị các loại thể hiện sự nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. 

Cho đến thời điểm hiện tại, ngành GTVT mới khắc phục được khoảng 50% kiến nghị. Hi vọng, trong thời gian sớm nhất, các bất cập trên sẽ được khắc phục hoàn toàn, để người dân yên tâm mỗi khi ra đường…

Thượng tá Ngọ Quang Tuyết, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tổ chức, chỉ huy điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT - người trực tiếp chỉ huy một tổ công tác khảo sát công tác tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ cho biết, thông qua công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, Cục và CSGT các địa phương đã phát hiện khá nhiều các bất cập trong tổ chức giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như biển báo, hệ thống dải phân cách, hộ lan,  hệ thống cọc tiêu, vạch kẻ đường… không hợp lí. 

Từ đó, đã có văn bản kiến nghị với ngành GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ, cao tốc… đề nghị khắc phục những bất cập trên. Đến nay, các kiến nghị của Cục và địa phương được các cơ quan chức năng nghiên cứu và khắc phục đạt trên 50% đã góp phần tích cực vào phòng ngừa TNGT và ùn tắc giao thông.

Nhiều đoạn cong cua nguy hiểm trên QL1A thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có vạch chia đường, không có biển báo nguy hiểm.

Điển hình như tại đường cua tại km 7 + 750 đến 7 + 900 QL1A đi qua địa bàn Bắc Giang - Lạng Sơn là đoạn đường thẳng nên các phương tiện đi với vận tốc cao, không làm chủ được tốc độ. Tại đây, đã xảy ra nhiều vụ TNGT làm 3 người chết.

Cục CSGT đã kiến nghị cắm biển báo “đoạn đường hay xảy ra tai nạn” để các lái xe chú ý quan sát, hạn chế tốc độ. Hay tại km 93+100 đến km 93+600 là đoạn đường cong cua liên tục nhưng không có vạch kẻ đường. Tại đoạn đường trên, cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn làm 4 người chết, 1 người bị thương. Để hạn chế tai nạn, lực lượng chức năng kiến nghị kẻ lại vạch phân chia dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều nhau, xe không được đè lên vạch và phân chia làn xe cơ giới và xe thô sơ theo đúng quy chuẩn.

Tại một số vị trí thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang như: km104 + 800; km 96+700; km 99+900 ngã tư Kép có lắp biển chỉ “bến xe buýt” mà không có vạch dừng, không có nhà chờ là không hợp lí. Các điểm đón trả khách trên QL1A đối với đoạn chưa nâng cấp lên đường cao tốc không có biển báo nên khó xác định được vi phạm để xử lí các phương tiện dừng đón trả khách sai quy định. Kiến nghị cắm bổ sung biển “điểm đón, trả khách tuyến cố định”.

Trên QL1A đi qua nhiều tỉnh cũng có hàng trăm bất cập gây mất an toàn giao thông. Như tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Trịnh Tú (qua địa phận TP Ninh Bình) là nơi đông dân cư, nhiều phương tiện qua lại. Cục CSGT đã kiến nghị lắp đèn điều khiển giao thông, hoàn thiện vạch kẻ đường cho người đi bộ, vạch chỉ dẫn giao thông.

Tại đầu cầu Đoan Vĩ tại km 251 + 259 ngã ba vào Định Lộng (Mỏ đá Gia Thanh, Ninh Bình), lưu lượng xe tải ra vào mỏ đá rất lớn, phương tiện lưu thông trên QL1A hướng Hà Nam - Ninh Bình với vận tốc cao, khi qua cầu gặp các phương tiện từ hướng Địch Lộng ra QL1A có nguy cơ xảy ra TNGT cao. Lực lượng chức năng kiến nghị làm đường gom từ Định Lộng ra QL1.

Tại km 286 + 397, đầu Trạm thu phí Tào Xuyên (hướng Ninh Bình - Thanh Hoá), có tới 5 biển báo đặt liên tiếp gần nhau, che khuất tầm nhìn; biển báo “cấm vượt” không đúng tiêu chuẩn. Ở tuyến QL1A đoạn phía Bắc TP Thanh Hoá, hầu hết các biển báo “giao nhau với đường không ưu tiên”, đặt quá gần các ngã ba, ngã tư.

Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng có hàng chục điểm bất hợp lí, như tại km 468+500 thuộc thị trấn Xuân An, Nghi Xuân và km 483 + 900, thuộc thị trấn Hồng Lĩnh không cắm biển báo “bắt đầu vào khu đông dân cư” và “hết khu đông dân cư”. Đặc biệt, tại km 542 và 542 + 600 (thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) cắm 2 biển báo khá “lạ”, khiến lái xe không hiểu phải thực hiện như thế nào. Cụ thể, cắm biển nguy hiểm “nền vàng, viền đỏ” nhưng bên trong lại không chỉ định đối tượng thực hiện…

Các cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp trên các tuyến đường trên cho biết, “Theo đúng quy định của Luật xử phạt hành chính và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, chúng tôi phải xử lí các lái xe vi phạm. Tuy nhiên, nhiều lái xe “kêu” quá, chúng tôi phải kiến nghị ngành GTVT cắm lại biển báo cho phù hợp để người tham gia giao thông được an toàn, không bị “làm khó” mỗi khi ra đường”.

Trong năm 2015, trên toàn quốc, lực lượng CSGT các địa phương có 186 văn bản kiến nghị các ngành chức năng với 2.988 điểm kiến nghị các loại, cụ thể: tình trạng mặt đường 328 điểm, vạch sơn 725 điểm, biển báo 926 điểm, rào hộ lan 76 điểm, gờ giảm tốc 105 điểm, dải phân cách 322 điểm, đèn tín hiệu 156 điểm và 350 kiến nghị khác. Riêng Cục CSGT xây dựng 9 kế hoạch khảo sát tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và đô thị, từ đó có 14 công văn với 236 điểm kiến nghị các bất hợp lý về tổ chức giao thông.

Phương Thủy
.
.
.